fbpx
vườn cây nhà Tùng

Tôi có cả một vườn cây trong nhà mà “không cần tưới”.

Hẳn bạn đang nghĩ nếu có 1 vườn cây để trong nhà như thế thì sẽ tốn thời gian và công sức nhiều lắm? Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, cho đến khi tìm được bí quyết chăm sóc cả một vườn cây trong nhà siêu nhàn hạ, chỉ với một vài tips căn bản.

Với tôi, chăm cây cũng giống với việc tôi tự chăm sóc bản thân mình vậy. Sau ngày làm việc mệt mỏi, về nhà trong khung giờ tắc đường và khói bụi luôn làm tôi khó thở. Thì việc đầu tiên khi về đến nhà của tôi là hít 1 hơi thật sâu và ngồi giữa vườn cây của mình để thư giãn và xóa tan cái mệt mỏi cuối ngày. Chúng ta vẫn luôn bận rộn với công việc, cuộc sống thường nhật hàng ngày. Có quá nhiều thứ để làm và có quá ít thời gian để nghĩ đến việc chăm cây.

Tôi sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ đó bằng việc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân sau khi đã xây dựng được cả 1 khu vườn ngay trong phòng ngủ của mình – trong 6 tháng vừa qua và cây khỏe mạnh, phát triển đều. Nếu bạn đã tham gia khóa học “Cây chết, vì sao?” của NOTH Garden thì hẳn bạn đã nắm được những bí quyết “Không cần chăm, cây vẫn sống khỏe”.

Kinh nghiệm số 1: Chọn cây phù hợp với điều kiện chăm sóc và không gian sống

Trước khi quyết định đem cây gì về nhà, tôi thường tìm hiểu trước về điều kiện sống của nó. Ví dụ như Xương rồng thì cần nhiều ánh sáng trực tiếp thì tôi sẽ để cây gần cửa sổ, cây Lưỡi hổ và Kim tiền không cần nhiều ánh sáng trực tiếp thì có thể để cây vào góc nhà. Như vậy là đã đủ điều kiện cho cây tự thích nghi và việc của chúng ta chỉ là ghi vào lịch tưới cây cụ thể mà thôi.

Và điều chúng ta cần lưu ý đó chính là độ ẩm, phòng mình trong mùa hè thì thường bật điều hòa và điều đó đã làm độ ẩm của đất giảm đi khá nhiều. Với những cây ưa ẩm thì chúng ta sẽ phải tưới nhiều hơn bình thường. Vậy là tôi đã nảy ra 1 ý tưởng, nếu mình đặt những dòng cây ưa ẩm này vào điều kiện phù hợp thì không đâu khác có độ ẩm tốt hơn trong nhà đó chính là phòng tắm.

Như các bạn đã thấy trong ảnh trên, phòng tắm của tôi đã kín cây. Chúng ta sẽ có 1 ví dụ so sánh, nếu tôi để đống cây này ngoài phòng ngủ và bật điều hòa thì sẽ phải tưới cho những cây này hàng ngày, nhưng nếu để trong nhà vệ sinh với độ ẩm cao thì 1 tuần thì sẽ chỉ tưới cho cây 1-2 lần mà thôi, đôi lúc chẳng cần tưới.

Chắc hẳn bạn đã để ý được có 1 cây lưỡi hổ xanh bên góc phải và có thắc mắc là tại sao cây Lưỡi hổ cần ít nước mà mình lại để trong đó đúng không? Riêng với cây Lưỡi hổ, khi đặt trong điều kiện độ ẩm cao như thế này thì điều đặc biệt là tôi sẽ không bao giờ tưới cho nó nữa. Vì môi trường sống của cây đã quá đủ các yếu tố độ ẩm và ánh sáng để cây có thể sống khỏe, kết hợp với việc sử dụng đất có khả năng thoát nước tốt, vì thế tôi chẳng lo cây của mình bị úng.

Vậy là bằng cách chọn cây phù hợp điều kiện chăm sóc và không gian sống, tôi đã cung cấp được cho cây môi trường sống thích hợp trong phòng và giảm lượng tưới cây đi rất nhiều. Đồng nghĩa với việc rút bớt thời gian và công sức chăm cây, nhẹ nhàng hơn rất nhiều đúng không?

Quảng cáo

Kinh nghiệm số 2: Trồng cây bằng nước – sử dụng phương pháp thủy canh

Mọi người đã quá quen với việc trồng cây bằng đất và không để ý rằng, chúng ta có 1 phương pháp trồng cây khác rất hiệu quả đó chính là trồng cây bằng nước – và tất nhiên điều đặc biệt cho phương pháp này là chúng ta không cần phải tưới cây nữa. Việc cần làm chỉ là đặt cây nơi có đủ ánh sáng tự nhiên cho cây phát triển.

Sau khi chăm cây một thời gian, tôi thường để ý đến các nhánh cây đã ra rễ và cắt ra. Để phơi khô 6 tiếng, sau đó cắm vào bình chứa với lượng nước vừa đủ ngập rễ cây.

Những loại cây tôi đang trồng bằng nước là các dòng Trầu bà. Và tất nhiên, tôi sẽ trồng thêm những loại cây khác bằng phương pháp thủy canh nữa trong thời gian tới. Không cần tưới thì trồng bao nhiều cây chẳng được…

P/S: Bạn có thể cho thêm sỏi và than hoạt tính dạng viên vào dưới các lọ nước để có tác dụng lọc nước và trang trí làm đẹp cho lọ cây của mình.

Quảng cáo

Kinh nghiệm số 3: Sử dụng dụng cụ tự tưới

Ngoài những cây ưa khô như Xương rồng, Lưỡi hổ và những cây đã trồng bằng phương pháp thủy canh ra. Thì còn những cây ưa ẩm theo nhiều kích thước khác nhau, thường thì chúng ta phải tưới 3 – 4 lần 1 tuần tùy lượng nước cho từng cây.

Vậy để rút ngắn số lần tưới, hoặc là không cần tưới thì tôi đã sử dụng thêm dụng cụ tự tưới cho cây.

Dụng cụ tự tưới dành cho những bạn không có nhiều thời gian tưới cây như tôi, thích hợp để chăm các loại cây trong nhà, trong văn phòng. Sau khi sử dụng dụng cụ này, việc của tôi chỉ là đổ thêm nước vào cốc, lọ chứa nước để tiếp tục cung cấp nước cho cây.

Bộ dụng cụ có cơ chế tưới nhỏ giọt, phù hợp để giữ ẩm đất với điều kiện bật điều hòa trong phòng. Vì khi bật điều hòa lâu, đất của cây thường bị khô và khi chúng ta tưới nước lên bề mặt đất sẽ phải cẩn thận hơn vì lúc đó đất ngấm nước rất lâu, có thể sẽ bị tràn hết ra ngoài mà không ngấm vào đất.

Kết luận

Qua bài viết chia sẻ kinh nghiệm trồng cây không cần tưới, mong rằng những kinh nghiệm trên sẽ giúp các bạn có thể chăm cây trong phòng của mình hiệu quả và giúp cây luôn xanh tươi như lúc mới mua về.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này, chúc bạn sẽ có 1 vườn cây riêng của mình thật đẹp và khỏe mạnh.

Chia sẻ bởi: Sơn Tùng

Hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn bằng cách hashtag #nothgarden #yeucayxanh trên Facebook/Instagram hoặc gửi mail vào địa chỉ [email protected] nhé!

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Quảng cáo
107 Shares
error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Share via
Copy link
Powered by Social Snap