fbpx
sen đá sốc nhiệt

Vì sao Sen Đá chết?

Vì sao Sen đá của bạn lại chết? Đây là một câu hỏi rất phổ biến đối với những bạn mới chăm Sen đá. Và nếu muốn tự đi tìm câu trả lời, bạn sẽ mất hàng tháng trời và sẽ có thêm nhiều cây phải chết.

Trước tiên, mình sẽ kể cho bạn nghe về Sen đá

Sen đá hay Hoa đá là cách gọi của người Việt mình, nhiều thông tin nói rằng tên khoa học của Sen đá là Succulent nhưng đây là một hiểu lầm. Succulent tức là toàn bộ những loại thực vật mọng nước, là tất cả các loại cây trữ nước ở thân bao gồm Sen đá, Xương rồng, Lô hội, Lưỡi hổ,… Như vậy, Sen đá chỉ là một trong số nhiều loài thực vật mọng nước và chúng có những đặc tính tương tự nhau.

Xem thêm bài viết: Sen đá hay Hoa đá thực chất là cây gì?

Nhưng vì sao thân của chúng lại trữ nước, và trữ nước để làm gì? Do có nguồn gốc từ những vùng khí hậu khô cằn như thảo nguyên, bán sa mạc và sa mạc, để thích ứng với nhiệt độ cao, thời kì khô hạn kéo dài nên buộc chúng phải tích trữ nước để sống. Đó cũng là lý do mà bạn chẳng cần tưới nhưng cây vẫn sống được từ 7 cho đến hơn 30 ngày hoặc nhiều tháng tuỳ loại.

Dựa vào nguồn gốc, chúng ta có thể kết luận chung rằng, Sen đá và các loại thực vật mọng nước khác đa phần đều có đặc tính giống nhau như ưa nắng, chịu hạn tốt. Ưa nắng tức là chúng thích tiếp xúc với ánh nắng mỗi ngày, chịu hạn tốt do thân trữ nước nên chúng sẽ không cần nhiều nước như các loại cây khác. Bạn có thể xem thêm bài viết Nguồn gốc và đặc tính của Hoa đá.

Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.

Tuy nhiên, khả năng chịu nắng nóng, hay khô hạn của mỗi loại lại khác nhau, do có nguồn gốc từ những vùng khí hậu khác nhau trên Trái Đất. Những loài được thấy tại những nơi có khí hậu mát mẻ, khô ráo thì khả năng chịu nắng nóng của chúng sẽ kém, nhiều loài ở những vùng lạnh như châu Âu thì khả năng chịu nóng lại càng kém. Ngược lại, những loại có nguồn gốc ở những vùng khô nóng thì khả năng chịu nắng nóng sẽ tốt, nhiều loại lại sinh sống ở những vùng khí hậu nhiệt đới ẩm thì chịu hạn sẽ kém, đôi khi còn ưa nước. Sen đá sống ở rất nhiều nơi có khí hậu khác nhau trên thế giới, do vậy đặc tính của chúng cũng sẽ có sự khác nhau. Vì vậy, nếu bạn chọn được loại Sen đá phù hợp với điều kiện nơi bạn sống thì việc chăm sóc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ lý do vì sao Sen đá nói riêng và một số loại cây mọng nước nói chung lại chết.

Quảng cáo

Vì sao Sen đá chết?

Có 2 tác nhân lớn khiến cho Sen đá chết: Tác động từ thiên nhiên – Tác động từ con người

Tác động từ thiên nhiên là khí hậu. Sen đá gần như bất tử trước thiên nhiên nơi nó sinh ra. Nếu nó sống ở một nơi nào đó không phù hợp với nó, nó sẽ chết. Chỉ có thể là do con người đã mang nó tới những nơi khác, và chỉ có tác động từ con người mới khiến Sen đá chết.

Tác động từ con người chính là việc bạn trồng và chăm sóc nó như thế nào. Trồng khó hơn chăm sóc rất nhiều, nếu trồng không đúng cách, bạn chăm sóc đến mấy cây cũng sẽ chết. Và nếu chăm sóc loại nào không phù hợp với khí hậu bạn đang sống, thì có chăm sóc đến mấy cây cũng sẽ chết.

Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp khiến Sen đá và các loại cây mọng nước chết.

1. Trồng bằng đất/giá thể thoát nước kém

Sen đá chịu hạn tốt và rất dễ úng nước, do vậy việc trồng bằng đất không có độ tơi xốp và thông thoáng thì dù bạn tưới ít, cây vẫn có thể chết vì úng. Nên thay đất khi mới mua về do đất có sẵn chỉ phù hợp với điều kiện sống tại các vườn ươm, mang về chăm tại những nơi có khí hậu nóng ẩm như Hà Nội nếu không thay đất, việc chăm sóc sẽ trở nên vô cùng khó khăn và tỉ lệ cây chết là rất cao.

Cách trộn đất trồng phù hợp cho Sen đá bạn có thể xem ở bài viết: Cách trộn hỗn hợp đất trồng Sen đá, Xương rồng và các loại cây mọng nước.

Dải cát nhỏ lên mặt đất cũng khiến đất bị bí, do hạt cát nhỏ li ti sẽ lấp đầy những khoảng trống lưu thông không khí của đất, khi tưới đất sẽ lâu khô rất dễ úng nước, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển dẫn đến thối rễ. Cát trộn cùng với đất nên sử dụng loại cát không quá mịn.

2. Trồng vào chậu không có lỗ thoát nước

Việc trồng Sen đá vào những chiếc tách cafe, cốc nước hay bình thuỷ tinh không có lỗ thoát nước tuy rất đẹp mắt, nhưng lại khiến việc chăm sóc cây khó lên gấp nhiều lần, và đa phần cây sẽ chết. Việc này cũng tương tự như trồng vào đất không thoáng, dù tưới thế nào cây cũng dễ úng.

Nếu trồng vào bình thuỷ tinh (theo dạng Terrarium), ngoài hỗn hợp đất trồng cần thêm sỏi dưới đáy bình và quan trọng là cần 1 lớp than hoạt tính giúp hút ẩm và chống vi khuẩn phát triển gây thối rễ.

3. Mix các loại Sen đá với nhau hoặc mix Sen đá với cây khác

Để giúp một chậu Sen đá trở nên sinh động hơn, mọi người hay mix các loại Sen đá với nhau, nhiều người còn mix Sen đá với Thường xuân hay Cẩm nhung, Dương xỉ… nữa. Trên thực tế khi nhìn một chậu cây mix như vậy, không thể phủ nhận là rất đẹp. Nếu bạn xác định chơi Sen đá như hoa cắm, chỉ để tầm 1 tuần rồi vứt thì ok. Sen đá có rất nhiều loại, mỗi loại lại có đặc tính khác nhau nên việc chăm sóc cũng sẽ khác nhau, chưa kể bạn mix những loại quá khác nhau lại thì kể cả một chuyên gia cũng khó có thể chăm sóc chúng. Đã thế nhiều bạn lại chọn những chậu Sen đá được mix với những cây ưa nước như mình đã kể ở trên… Sen đá ưa nắng sợ tưới nhiều, Cẩm nhung sợ nắng và thích tưới nhiều, từ đó chúng ta tự suy luận ra kết cục của chậu cây đó sẽ thế nào rồi đúng không?

Nếu muốn mix các loại Sen đá với nhau, bạn cần phải có nhiều kinh nghiệm với loài cây này để biết được dòng nào thì có thể trồng chung được với nhau còn dòng nào thì không.

4. Chọn các loại quá “đỏng đảnh” để chăm sóc

Đối với những bạn mới trồng loại cây này, chúng ta nên chọn những loại khoẻ, chịu nóng tốt để thích nghi với khí hậu nơi bạn đang sống, điển hình là Hà Nội và TP.HCM. Nhìn chung, những loại thân nhỏ, mỏng và mềm, màu sắc sặc sỡ, nhiều phấn… thường là những loại rất đỏng đảnh vì khả năng chịu nắng nóng rất kém. Ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Sapa…, các loại này có thể thích nghi được và phát triển tốt, nhưng khi mang nó về những nơi nắng nóng, cây dễ bị sốc nhiệt mà chết do không thích nghi được với khí hậu quá khắc nghiệt. Chưa kể nhiều nhà vườn còn nhân giống cây chỉ quan tâm tới số lượng, rễ mới nhú đã đẩy bán cho thị trường, nếu vậy dù chăm ở đâu thì cây cũng khó mà sống nổi. Vì vậy hãy tập chăm những loại chịu được nóng tốt để hiểu về cây, sau đó bạn có thể thử chăm những loại “đỏng đảnh” hơn.

5. Để trong nhà

Nhiều bạn mới mua và tập cách chăm Sen đá, khi mua ở ngoài hàng về thì được hướng dẫn chăm sóc bằng những câu như: “sống trong nhà tốt”, “không cần tưới nhiều đâu”, “dễ chăm lắm”… Như đã nói ở trên, Sen đá có rất nhiều loại và ưa điều kiện chăm sóc khác nhau. Có những loại bạn có thể đặt nó trong nhà vì không yêu cầu nhiều nắng, ngược lại có những loại không nên để trong nhà vì rất ưa nắng. Tuy nhiên, đa phần các loại Sen đá nếu để trong nhà quá lâu, cây sẽ có biểu hiện “xấu” đi như cao ngổng lên, lá ngửa ra, màu sắc nhợt nhạt, thậm chí nếu thiếu sáng quá cây có thể bị rụng lá. Bạn cũng có thể xem bài viết Những vấn đề thường gặp của Sen đá.

Nếu muốn trồng cây trong nhà, bạn nên chọn những loại yêu cầu ánh nắng ít vì đa phần các loài Sen đá đều rất ưa nắng, tuy nhiên vẫn nên đem cây ra ngoài thường xuyên để giúp cây luôn đẹp và khoẻ. “Cũng như người thôi, bạn thử bị nhốt trong nhà 1 tuần thì sẽ thế nào?”

Để Sen đá trong nhà cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc cây bị thối rễ do dư nước. Vì khi không được hấp thụ nhiều ánh sáng, quá trình quang hợp sẽ  yếu hoặc gần như không quang hợp, như vậy cây không cần tới nước để chuyển hóa dinh dưỡng, dù có tưới nhưng bộ rễ không hấp thụ dẫn đến việc dư nước và úng thối rễ.

Đó là còn chưa kể nhiều trường hợp “hãm hại” cây một cách có tổ chức: vừa trồng chậu không có lỗ thoát nước, vừa trồng đất thoát nước kém, vừa trải cát màu mè lên mặt đất, đã thế còn mix Sen đá với các loại cây khác và đặt trong nhà… không chết thì cây của bạn cũng sẽ thoi thóp, tin mình đi.

6. Chưa tìm hiểu kĩ về cây

Đây là lý do đầu tiên dẫn đến 5 nguyên nhân trên, do chưa hiểu biết về cây, nên bạn dễ bị nao lòng bởi những chậu Sen đá màu mè sặc sỡ, và do chưa tìm hiểu trước khi mua nên bạn dễ tin hoàn toàn vào lời hướng dẫn qua loa của người bán. Mình cũng đã từng như các bạn, và đó là lý do mình viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm của mình. Bạn có thể tìm đọc các bài liên quan tới Sen đá tại Website của NOTH để tìm hiểu hoặc liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ.

7. Vi khuẩn, nấm bệnh và các loại sinh vật có hại

Bệnh tật là không thể tránh khỏi, cây có thể bị bệnh trước khi bạn mua về hoặc trong lúc bạn chăm sóc. Điều kiện để các loại vi khuẩn, nấm bệnh phát triển là do thời tiết và các dinh dưỡng có trong đất.

Vì vậy, để dễ dàng chăm sóc và không lo cây chết, những bạn mới tập chăm nên thực hiện theo những bước dưới đây.

Quảng cáo

3 bước để bạn bắt đầu với Sen đá

Bước 1: Chọn cây khỏe và phù hợp với điều kiện chăm sóc

Khi mua cây, nên chọn những loại khoẻ để chăm sóc và nếu được thì nên tự trồng. Cây khỏe tức là chúng có thể chịu đựng được những điều kiện nơi mà bạn sinh sống và đặt cây, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn ở phần dưới. Bạn cũng có thể học cách tự trồng cây, vì khi tự trồng chúng ta sẽ dễ dàng quan sát được nhiều điều từ chúng hơn. Từ hình dáng cho đến cấu tạo của cây đều có tác dụng riêng, đây là yếu tố quan trọng giúp cây sinh tồn và giúp bạn nhận diện được các dòng cây tương tự. Sau này khi đã có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn hình dáng là biết cây này chăm thế nào mà chẳng cần biết tên cây. Xem thêm bài viết Cách trồng một cây Sen đá vào chậu.

Chưa hết, cần biết rõ được điều kiện mà bạn có thể cung cấp như lượng ánh sáng, nhiệt độ, độ thông thoáng không khí tại nơi mà bạn đặt cây. Từ đó mà trong quá trình chăm sóc bạn có thể điều chỉnh hoặc bổ sung thêm các nguyên tố tự nhiên cho cây, nếu cần.

Lưu ý: Nếu mua cây về trong lúc trời quá nóng, bạn nên đặt cây chỗ thật thoáng mát, giúp cây quen với khí hậu vài ngày sau đó mới thay chất trồng. Tuỳ độ khoẻ của từng loại cây mà sau 3-7 ngày, cây sẽ thích ứng được với thời tiết, đó là lý do mình khuyên bạn nên chọn loại khoẻ.

Bước 2: Trồng bằng đất/giá thể tốt

Tự trồng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đất và dinh dưỡng cho cây. Chú ý tới đất trồng, công thức đơn giản nhất để bạn có hỗn hợp chất trồng hợp lý cho các loại cây mọng nước mình cũng đã chia sẻ riêng và rất chi tiết trong một bài viết riêng, trong đó có những thành phần giúp toàn bộ cấu trúc đất được thông thoáng như Sỉ than, đá perlite, pumice…

Tránh dải cát nhỏ lên mặt đất vì nếu vậy đất sẽ bị bí và lâu khô -> cây sẽ dễ úng. Tránh sử dụng các loại đất đóng bao to và bán sẵn trên thị trường (ở đây mình không tiện nói tên), vì thường các loại đất bán sẵn này chỉ phù hợp trồng cho hoa, rau và một số loại cây ngoài trời hoặc cây ngắn ngày.

Xem thêm bài viết: Cách trộn hỗn hợp đất trồng cho Sen Đá, Xương Rồng và các loại cây mọng nước.

Bước 3: Chọn chậu phù hợp

Chậu đất nung (Terracotta) là chất liệu tuyệt vời nhất để trồng Sen đá, vì chậu đất nung có khả năng hút nước, làm thoáng đất giúp rễ cây dễ dàng trao đổi khí, tránh úng và thối rễ khi chẳng may tưới quá nhiều. Và hãy nhớ tuyệt đối không nên sử dụng các loại chậu không có lỗ thoát nước.

Xem thêm: 3 lý do khiến bạn nên chọn chậu Đất Nung

Quảng cáo

Cách chọn cây thông qua hình dáng

Cây khoẻ tức là cây có khả năng chịu đựng tốt những điều kiện thời tiết, môi trường sống tại nơi mà bạn đặt cây. Đặc điểm của những cây khoẻ thường là thân cứng và dài, màu lá đậm, mọng nước, thân nhọn, có gai… Cây yếu tức là cây chịu nóng kém, chịu hạn kém đối với khí hậu nơi bạn chăm cây. Đặc điểm là màu mè sặc sỡ, nhiều phấn, thân mềm và nhỏ, lá mỏng… Ngoài ra, những loại yêu cầu ít ánh nắng có thể đặt được trong nhà thường có màu xanh đậm, thân dài, lá dầy và có thể có gai. Ngược lại những loại màu mè sẽ yêu cầu ánh nắng nhiều, do hấp thụ ánh nắng nên cây mới lên màu tươi và đẹp, những loại lá mỏng rất dễ bị duỗi lá khi thiếu nắng và “mất dáng” khi để trong nhà.

Gợi ý một số loại Hoa đá (Sen đá) phổ biến và một vài chi mọng nước khác để bạn tham khảo.

1. Graptosedum (thường gọi là Sen đỏ, Sen vàng, Sen cam…). Đây là dòng “trâu bò” nhất được gọi với cái tên Hoa đá (Sen đá) mà mình từng trải nghiệm. Với khả năng chịu nóng tốt ngay cả khi thời tiết Hà Nội đang ở mức nóng đỉnh điểm 39-40°C.

sen đá đỏ
Graptosedum là một trong những chi được gọi là Hoa đá với sức sống “trâu bò” nhất mà mình từng chăm. (Photo: FarOutFloraCC BY 2.0).

2. Echeveria (ở VN thường gọi với các tên như Sen hồng phấn, Sen viền tím, Sen viền hồng, Sen đá nâu…). Dòng này thì khó chăm hơn 1 chút vì khả năng chịu nóng không tốt như Graptosedum nhưng có thể thuần khí hậu được. Nên kiểm tra bộ rễ trước khi mua, nếu rễ dày và kín thì bạn có thể dễ thuần chúng hơn. Đa phần thì cây thường được nhân giống ở vùng lạnh như Đà Lạt. Các dòng Echeveria được lai giống hoặc đột biến gen được nhập từ vườn ươm Trung Quốc, Hàn Quốc… thì sẽ khó chăm hơn rất nhiều.

sen hồng phấn
Echeveria ‘Perle von Nurnberg’ – Sen hồng phấn (Photo: MauronarfCC BY-SA 4.0).
Ví dụ về cây Hoa đá được lai tạo giữa PachyveriaEcheveria, những loài này sẽ khó chăm hơn những loài thuần chủng (Photo: Jean-Michel MoullecCC BY 2.0).
Cây lai tạo (hybrid) thường có hình dáng hoặc màu sắc lạ, dành cho những ai thích sưu tầm chứ không dành cho newbie (Photo: Megan HansenCC BY-SA 2.0).
Đây là một cây Echeveria đột biến (varigated), đặc điểm của những loài thường có màu sắc loang vàng trắng, đẹp và cũng “đỏng đảnh khó chiều”. (Photo: Seán A. O’HaraCC BY 2.0).

3. Sempervivum (ở VN thường được gọi là Sen phật bà). Chi này cũng có nhiều loài khác nhau, cũng cần thuần khí hậu và chịu nóng cũng không “trâu bò” như Graptosedum. Để chăm dòng này bạn nên cung cấp đủ nắng nhưng có biện pháp giảm nóng cho cây như sử dụng lưới lọc sáng.

sen đá phật bà
Chăm sóc Sempervivum (Sen phật bà) ở Việt Nam không quá khó nếu cây đã được thuần dưỡng khỏe mạnh vì thường cây từ các vườn ươm về sẽ có số lượng lớn bị thối do sốc. (Photo: Amante DarmaninCC BY 2.0).

4. Crassula (chi này phổ biến là Crassula ovata ở VN gọi là Thạch bích cánh bướm). Chi này chăm sóc không khó nhưng cũng không phải loại dễ, Crassula ovata còn được biết đến với tên gọi Jade plant, với khả năng dễ sống trong nhà hơn so với các loài khác.

thạch bích cánh bướm
Những dòng có lá dầy và màu xanh đậm thường dễ sống trong nhà hơn, tuy nhiên bạn cũng nên đặt cây gần cửa sổ nơi có ánh sáng tự nhiên và nên chấp nhận rằng hình dáng của cây sẽ thay đổi để thích nghi với điều kiện sống trong nhà (Photo: Alex LomasCC BY 2.0).

5. Haworthia (chi này thường được lầm tưởng là Hoa đá, nhưng cũng có nhiều loài trong chi này ví dụ Haworthia cymbiformis có hình dáng giống bông hoa ở VN được gọi là Sen ngọc). Dòng này khá dễ chăm sóc ở VN vì không cần ánh nắng trực tiếp để phát triển, Haworthia chỉ cần nhiều ánh sáng tự nhiên như gần cửa sổ hoặc ban công khuất nắng.

móng rồng
Photo: Maja DumatCC BY 2.0.
haworthia sen ngọc
Photo: salchuiwtCC BY-SA 2.0.
haworthia
Photo: salchuiwtCC BY-SA 2.0.

6. Sedum (gọi là Cỏ cảnh thiên)
Chi này có hình dáng mỏng manh và cũng khá đỏng đảnh khi cũng cần nhiều ánh sáng tự nhiên nhưng lại không chịu được nắng gắt và nhiệt độ cao. Bạn cũng có thể có biện pháp tránh nóng cho cây nếu chăm dòng này.

Photo: martiusCC BY 2.0.
Photo: MatthewCC BY 2.0.
Photo: John RuskCC BY 2.0.

Ngoài ra còn nhiều chi thực vật mọng nước khác Sen đá và dễ chăm như Aloe (chi Lô hội), Kalanchoe (Lá bỏng), Agave, hoặc các chi trong họ Cactus (Xương rồng)… mà bạn có thể trải nghiệm.

Cách nhanh nhất để hiểu một loại cây là tự tay trồng hoặc có thể hỏi vườn NOTH, sau đó bạn chỉ cần dành cho cây một tình yêu thương thực sự, quan sát sự phát triển của cây từng ngày, lúc phát triển tốt nhất hay lúc cây đang thoi thóp nhất bạn đều phải quan sát, từ đó bạn sẽ hiểu cây cần gì.

Kết luận

Nếu thực sự yêu Sen đá, mình khuyên bạn hãy tìm hiểu kĩ trước khi mua cây, để tránh việc phí tiền mua cây mà cây nào cũng chết. Hãy tìm hiểu và chăm sóc những loại khoẻ và dễ trước, sau đó có thể chăm thêm các loại đẹp và đỏng đảnh hơn. Và khi đã có kinh nghiệm, đôi khi bạn chỉ cần nhìn hình dáng là đã biết cách chăm của một loại cây rồi.

Mình không phải là một chuyên gia nông nghiệp, bài viết này là chia sẻ từ những trải nghiệm cá nhân tự tìm tòi, học hỏi từ những người có kinh nghiệm và từ nhiều lần làm cây chết. Mình tin rằng bài viết này sẽ giúp bạn chọn được chậu Sen đá ưng ý và chăm sóc nó thật tốt, đừng để nỗi lo cây chết làm giảm tình yêu cây của bạn vì cây thật tuyệt vời và mình sẵn sàng giúp đỡ các bạn mọi vấn đề về cây.

PS: Nếu mua Sen đá tại vườn NOTH, chúng mình đã giúp bạn toàn bộ những công đoạn trên, việc của bạn là chỉ cần mang về và chăm sóc theo hướng dẫn.

“Muốn biết cách chăm cây,
hãy hiểu về cây trước.”

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.


 
Quảng cáo
1.3K Share
error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Share via
Copy link
Powered by Social Snap