fbpx

BÀI 1: VÌ SAO CÂY CHẾT?

Chào mừng bạn bắt đầu với bài học đầu tiên.

Tôi rất vui vì bạn đã dành thời gian để đọc ebook này, vì trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, đa phần mọi người đều rất lười “đọc”, họ suốt ngày chỉ lướt lướt facebook, xem mấy video vô bổ và không bao giờ dành thời gian để đọc, đặc biệt là đọc sách.

Nhưng bạn thì rất khác, bạn dành thời gian bận rộn của mình để đọc từng chữ mà tôi chia sẻ, thế mới thấy bạn thực sự là người yêu cây và quan tâm đến chúng như thế nào. Vì thế tôi sẽ không dài dòng nữa mà sẽ bắt đầu chia sẻ về cây ngay dưới đây.

Chỉ có 2 nguyên nhân lớn nhất tác động dẫn đến việc cây cối chết, một là tác động từ Thiên Nhiên – hai là tác động từ Con Người.

Tác động từ thiên nhiên là thời tiết, khí hậu, các mầm bệnh… Tuy nhiên, khi sống trong tự nhiên, cây sẽ tự sinh tồn và phát triển, tự nhiên sẽ quyết định việc sống-chết hay sự phát triển-héo tàn của cây một cách hoàn hảo, vì thế chúng ta không cần quan tâm trong ebook này.

Tác động từ con người mới là nguyên nhân chính khiến cây cối phải chết, từ việc nhân giống công nghiệp tại các nhà vườn, cho tới việc vận chuyển cây đi các nơi, về tay các dân buôn, các chợ cây, các shop cây, cuối cùng mới tới tay bạn, và lúc này bạn là người trực tiếp tác động tới cây, và chỉ có bạn mới phải chứng kiến chậu cây yêu quý của mình chết dần chết mòn.

Để hiểu mọi vấn đề trong cuộc sống nói chung, cũng giống như việc chăm sóc cây cối nói riêng, chúng ta phải nhìn vào gốc rễ chứ đừng nhìn vào phần nổi bên ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cây được sản xuất từ các nhà vườn phải đáp ứng được số lượng nhiều, sản xuất nhanh nhất và đẹp nhất. Tại đó, họ sản xuất cây theo kiểu công nghiệp, tức là hàng loạt cây sẽ được trồng hoàn toàn bằng giá thể xơ dừa, mùn dừa… chứ không phải bằng đất, chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp cho cây theo dạng chất lỏng vô cơ, tưới tự động và trực tiếp vào giá thể trồng cây, giúp cây lớn và phát triển rất nhanh. Chưa hết, cây được sản xuất trong môi trường nhà kính, ít có tác động bên ngoài từ môi trường, mọi điều kiện đều được đáp ứng đầy đủ, nên cây sẽ đẹp một cách lung linh (nhiều bạn bảo trông như cây giả). Như vậy là các nhà vườn đã đáp ứng đủ các tiêu chí của thị trường: Nhanh, Nhiều, Đẹp.

Cây cối cũng như con người vậy, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện ngắn để bạn dễ hiểu hơn.

Có 2 cậu bé bằng tuổi nhau nhưng sinh ra ở 2 gia đình khác nhau. Cậu A được lớn lên trong nhung lụa, gia đình luôn luôn bao bọc, cậu bé này ít được ra ngoài chơi vì bố mẹ luôn sợ bụi bẩn nắng mưa, vì thế quần áo của cậu luôn sạch đẹp và tươm tất, tay chân không bị xước xát do đùa nghịch, da dẻ trắng trẻo mịn màng. Ngược lại với cậu A, cậu bé B sinh ra trong một gia đình bình thường, từ bé đã được tự do nô đùa chạy nhẩy cùng với bạn bè bên ngoài, vì thế quần áo của cậu luôn bị lem luốc bẩn, chân tay thì thường xuyên chầy xước, da thì xạm màu vì phơi nắng tắm mưa.

Ở 2 cậu bé này rõ ràng ta sẽ thấy có sự đối nghịch hoàn toàn, cậu A suốt ngày bị nhốt trong nhà ăn xong lại ngủ, vì thế cậu ta sẽ bụ bẫm và luôn sạch đẹp, tạm gọi là “công tử bột”. Tuy nhiên, trên thực tế khi thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, cậu A sẽ hoàn toàn không có khả năng chống chọi lại với những tình huống bên ngoài, hơn nữa sức đề kháng của A sẽ rất yếu nên rất dễ ốm. Chắc hẳn bạn sẽ biết cậu bé B ngược lại rồi đúng không, tuy vẻ ngoài của cậu ta có vẻ nhám nhem và lôi thôi, nhưng ngược lại B lại có sức khoẻ rất tốt và sự thích nghi với mọi tình huống bên ngoài khi không còn trong vỏ bọc của gia đình.

Cây cối cũng như vậy, khi được nhân giống trong điều kiện nhà vườn, cây sẽ rất đẹp nhưng không khoẻ, vì thế khi thoát ra khỏi các nhà vườn, nó sẽ phải tự thích nghi với môi trường, và chúng ta – những người yêu cây chỉ góp phần giúp cho cây tự sống chứ không giúp nó sống được.

Khi về tới tay các dân buôn, các chợ cây, việc mà họ quan tâm duy nhất chỉ là bán được cây và thu về tiền, chứ họ quan tâm gì tới việc bạn có chăm được hay không, và họ cũng không thừa thời gian để đem cây về thay đất hay thuần khí hậu để cây khỏe (rất mất thời gian và tăng giá thành). Vì thế nếu bạn hỏi cây này chăm dễ không, có cần tưới nhiều hay không, thì câu trả lời vẫn sẽ luôn làm hài lòng khách hàng thôi!

Cuối cùng khi cây về tới tay bạn, nó không còn được cung cấp chất dinh dưỡng vô cơ như ở nhà vườn nữa, sau một thời gian cây sẽ tự chết dần chết mòn mà bạn không thể hiểu nổi lý lo vì sao.

“Đó là lý do tại vườn NOTH, tôi cùng đội ngũ luôn thay toàn bộ giá thể trồng bằng đất hữu cơ do vườn tự mix phù hợp với đặc tính từng loại, sau đó dành thời gian dưỡng giúp cây quen với đất trồng mới và quen với khí hậu, để mỗi cây khi xuất hiện tại vườn sẽ luôn khoẻ mạnh về tới tay những người yêu cây (trong lúc này sẽ có số lượng cây yếu không thể thích nghi được, buộc phải hủy). Hơn thế, những loại cây trước khi về vườn luôn được thử nghiệm sự thích nghi với các điều kiện sống khác nhau sau nhiều tháng, sau đó mới được đặt lên kệ bầy tại vườn. Đó là lý do mà cây của NOTH luôn có giá thành đắt hơn những nơi khác rất nhiều, thường là gấp 2 hoặc 3 lần.”

Quay lại với những lí do khiến cây chết, tôi sẽ không đổ lỗi hoàn toàn cho những nhà vườn vì cách sản xuất cây công nghiệp hay kém chất lượng, tôi sẽ nhìn lại vào vấn đề Cung – Cầu. Vì nếu không có cầu thì ắt không có cung, nếu chúng ta không suốt ngày đòi hỏi về những loài cây hợp mệnh hợp phong thuỷ, những chậu hoa đá màu mè sặc sỡ lung linh, thì nhà vườn họ sản xuất ra và bán cho ai? Chính vì những bài báo lá cải suốt ngày tung hô về cây phong thuỷ mang lại tiền tài, chúng ta mới tạo ra nhu cầu nhiều đến vậy. Vì thế tôi sẽ không trách các nhà vườn, tôi sẽ trách chính bản thân mình, và bạn cũng nên vậy.

Cuối cùng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc khiến cây phải chết, là do chính chúng ta. Chúng ta không có sự hiểu biết về cây cối, nên mới dễ bị truyền thông dẫn dắt, nên mới dễ tin bởi những lời ngon ngọt, mới bị mê hoặc bởi sự lung linh đẹp đẽ vẻ bên ngoài và rồi chúng ta tự gánh lấy hậu quả, đó là những chậu cây của mình phải chết.

Hơi sâu xa một chút, nhưng nếu nói một cách dễ hiểu hơn, thì tôi thử hỏi bạn một câu rằng, bạn mua cây vì lý do gì? Vì đẹp, vì hợp mệnh (phong thuỷ), hay vì dễ chăm sóc?

Bỏ qua cái phần dễ chăm sóc đi, vì bất kì ai đi mua cây mà chả muốn mua cây đẹp, hoặc là hợp phong thuỷ. Vì khi đã đẹp và hợp mệnh rồi, thì chăm sóc được nó hay không, chỉ có khi mua về rồi bạn mới biết được, chứ lúc mua thì cây nào nghe nói chẳng dễ chăm và dễ sống.

Chốt lại, có duy nhất một lý do dẫn đến việc cây của bạn chết. Đó là sự thiếu hiểu biết về cây cối, dẫn tới việc chọn cây sai cách và dễ tin lời của những nơi bán cây không có tâm, đặt lợi nhuận lên trên.

Thôi thì đằng nào cây cũng đã chết rồi, điều quan trọng hơn bây giờ không phải là đi suy xét xem lí do nào khiến cây chết hoặc trách móc bất kì ai nữa, mà hãy tự trau dồi kiến thức về cây cho bản thân, để bạn có thể hiểu về cây hơn, để biết cách chọn cây và chăm sóc chúng tốt hơn. Chỉ vậy, bạn mới có thể phủ kín mọi không gian sống của mình bằng cây xanh và có một cuộc sống trong lành hơn được.

Và tất nhiên, trong bài học số 2, tôi sẽ chỉ cho bạn “Bí quyết lựa chọn cây phù hợp”. Để bạn có thể bắt đầu lại mà không mắc khỏi sai lầm nữa.

Và nếu bạn thực sự yêu cây, muốn có cả một khu vườn nhỏ giống như tôi mà không phải chứng kiến chậu cây nào phải chết nữa, thì đừng bỏ lỡ bài học số 2 ở email ngày mai! (Lưu ý: Email có thể xuất hiện ở hòm thư quảng cáo hoặc spam)

Chúc bạn có một ngày thật trong lành!