fbpx

BÀI 3: KHÔNG CẦN CHĂM, CÂY VẪN SỐNG KHOẺ

Tiêu đề của bài này nghe có vẻ hơi hoang đường nhỉ, liệu có thật là có cách chăm cây như vậy không?

À quên mất, chào bạn quay trở lại với khoá học “Cây chết, vì sao?”.

Tâm sự một chút với bạn, trước khi hoàn thiện Ebook này và tung nó ra dưới dạng khoá học, trong cái lúc mà tôi đang viết những dòng này, tôi đã biết chắc chắn rằng, sẽ có rất nhiều người đăng kí tham gia khoá học, tuy nhiên chưa đến một nửa số đó học đến bài cuối cùng đâu. Sự thật đúng là như vậy, dù thế nào đi nữa thì tôi cũng muốn cảm ơn bạn đã trân trọng khoá học này và lắng nghe những chia sẻ của tôi. Tuy tôi chia sẻ miễn phí nhưng đây thực sự là tâm huyết của tôi cùng đội ngũ NOTH sau nhiều năm trải nghiệm và hơn 3 tháng để hoàn thành ebook này.

Nói về cây cối, mỗi người chơi sẽ có những trải nghiệm khác nhau, với những cách chơi khác nhau mà không ai giống ai cả. Riêng tôi, tôi coi cây cối không phải là một nghề để sinh sống, không phải một thú chơi hay một món đồ trang trí. Tôi hướng tới nghề nông để tu dưỡng và hoàn thiện con người.

Trong tự nhiên, cây cối được sinh ra với bản năng tự sinh tồn và phát triển khoẻ mạnh, đâu cần tới ai chăm sóc. Vì thế, cách mà tôi chăm sóc cây là để cây tự sống và sinh tồn với bản năng vốn có của nó. Điều tôi làm duy nhất chỉ là lựa chọn cây phù hợp (như tôi đã chia sẻ trong bài 2) và quan sát nó.

 

Vì sao tôi lại chỉ quan sát nó?

Từ khi sinh ra, con người chúng ta đã có khả năng quan sát và cảm nhận tuyệt vời, chỉ khi quan sát, bạn mới có thể hiểu được cây cần gì và tình trạng của nó thế nào. Cũng giống như việc bạn xử lý một vấn đề trong cuộc sống, nếu bạn không quan sát và cảm nhận rõ ràng mọi thứ, bạn sẽ dễ hành động sai lầm.

Để rõ hơn, tôi sẽ lại kể cho bạn nghe một câu chuyện của tôi, về loại cây đầu tiên mà tôi tự nhân giống được và nuôi nó đến tận bây giờ – Panda Plant (Kalanchoe Tomentosa)

Ở Việt Nam gọi loại cây này là Sen Nhung Đen, tôi đã quan sát nó trong hơn 1 năm để có thể hiểu được nó. Ban đầu, tôi chỉ mầy mò học cách nhân giống bằng lá, ngắt 1 lá và đặt xuống đất dưới gốc cây mẹ và cuộc hành trình lại bắt đầu.

Sen nhung đen có sức sống khá khoẻ so với điều kiện khí hậu ở Hà Nội. Ban đầu tôi ngắt một lá khoẻ đặt xuống đất, tuy nhiên do tác động nào đó mà tôi không hề biết, có thể do chuột, chiếc lá ấy bị gẫy làm đôi, việc tôi làm duy nhất lúc đó là “mặc kệ”.

Thế rồi chiếc lá đó dần dần cũng ra được rễ, đặc biệt hơn cả là nó ra một lúc 3 cây con ở phần lá bị gẫy, rễ dần dần đâm sâu vào đất hút dinh dưỡng, cây con nhờ đó mà phát triển rất nhanh. Lúc này, với tâm trạng của một người mới tập toẹ về cây, ai chẳng muốn cây lớn thật nhanh, tôi liền hỏi ngay người anh và cũng là người thầy của tôi, xem có cách nào để cây lớn thật nhanh không??? Khác với những người làm nông khác, anh không chỉ cho tôi dùng thuốc kích rễ hay bất kì loại phân bón nào, anh chỉ cho tôi về khả năng tự sinh tồn của cây.

“Em muốn nó ra rễ nhiều, thì em đừng có tưới nhiều. Vì bản năng của rễ là nó đi tìm nước và các chất dinh dưỡng, khi tưới nhiều, rễ cây sẽ cảm nhận được rằng nó đang đủ nước, vì thế nó sẽ cứ ở đó mà uống nước thôi. Nhưng khi tưới ít, bản năng sinh tồn của nó sẽ trỗi dậy, bằng mọi giá nó phải tìm được nguồn nước nếu không nó sẽ chết, vì thế nó sẽ dùng hết khả năng của mình đễ vươn rễ dài ra, đi tìm nguồn sống. Lúc này em mới lại tưới cho nó một lần nữa, để nó có sức mà đi tìm nước tiếp.”

 

Những lời mà anh nói tôi vẫn nhớ rõ cho tới tận bây giờ, in sâu vào đầu tôi và trở thành cách mà tôi có thể chăm sóc bất kì loại cây nào, hơn thế, cách suy nghĩ và lối sống của tôi cũng dần thay đổi từ ngày nghe anh ấy nói, tôi chợt nhận ra nhiều điều giá trị trong cuộc sống này. Con người cũng giống như cây cối, nếu đặt mình vào những hoàn cảnh khó, chúng ta mới có thể tự động não suy nghĩ và trưởng thành hơn được. Cũng giống như một đứa trẻ mới tập tững biết đi, phải ngã vài lần thì nó mới có thể tự đứng dậy được.

Và đó là cách mà tôi giúp cây sống sót. Có những lúc tôi nhìn cây héo khô không còn tí sức sống nào vì quá nắng nóng, tôi vẫn không tưới. Rồi trận mưa bất chợt đến, chúng nó như được hồi sinh trở lại và tươi tắn lạ thường ngay hôm sau. Cho tới bây giờ khi mà chậu sen nhung đó, đất đã quá cằn và gần như chẳng còn tí dinh dưỡng nào, lá rụng rất nhiều và tôi vẫn cứ mặc kệ nó. Vì tôi biết rằng nó sẽ tự sinh tồn được, lá rụng xuống sẽ lại đẻ ra cây con và cứ thế, có đúng là tôi không cần chăm, cây vẫn sống và phát triển rất khoẻ mạnh không?

Tất nhiên, không phải loại cây nào cũng có cách sinh tồn giống nhau. Bạn chỉ cần hiểu rõ điều kiện chăm sóc và điều kiện không gian sống của mình trước (như tôi đã nói ở bài 2), tôi sẽ nói kĩ hơn về yếu tố môi trường sống gồm ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm.

Ánh sáng:

Hãy xem ánh sáng tại nơi mà bạn muốn đặt cây như thế nào. Ánh nắng trực tiếp, gián tiếp, bóng râm hay không có một chút ánh sáng tự nhiên nào mà chỉ có ánh đèn. Nếu căn phòng của bạn tràn ngập ánh sáng tự nhiên và có ánh nắng hướng đông buổi sáng thì thật hoàn hảo, bạn có thể đặt kín cây trong phòng và tạo thành một khu vườn rồi. Nếu phòng của bạn không hề có một chút ánh sáng tự nhiên nào, cũng đừng lo lắng nhé, vì có rất nhiều loại có thể sống khoẻ mạnh với ánh đèn.

Nhiệt độ:

Đây cũng là một vấn đề bạn cần quan tâm, ví dụ ở Hà Nội với khí hậu nóng ẩm, chúng ta cần để ý đến khả năng chịu nóng của cây, vì nếu bạn chọn những loại đỏng đảnh chịu nóng yếu, nó sẽ không thể thích nghi được với thời tiết và dù có chăm sóc thế nào, kể cả bật điều hoà cho cây thì nó vẫn sẽ chết. Đối với trường hợp bạn muốn đặt cây trong phòng điều hoà, nên tránh để cây bị sốc nhiệt, nóng lạnh quá đột ngột, nhiệt độ phòng không nên chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài.

Độ ẩm:

Độ ẩm là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn tưới cây, và ảnh hưởng đến việc chọn đất trồng. Ví dụ ở Hà Nội, khí hậu với độ ẩm trung bình hàng năm là 79%, tức là khá cao, vì vậy bạn nên để ý và cảm nhận tới thời tiết một chút để quyết định xem có nên tưới cho cây hay không, và lượng nước thế nào. Nếu độ ẩm cao do trời đang mưa dai dẳng, thì tất nhiên lượng nước tưới sẽ phải giảm đi đáng kể, và đôi khi bạn chẳng cần tưới. Còn nữa, độ ẩm về đêm sẽ cao hơn ban ngày, do vậy bạn nên tưới vào buổi sáng để đất kịp khô thoáng, ban đêm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nếu đất quá ẩm. Đối với những văn phòng cả ngày điều hoà, độ ẩm không khí trong phòng sẽ khá thấp, chỉ từ 30-40%, lúc này tất nhiên là lượng nước sẽ phải nhiều hơn so với bình thường một chút.

Tất cả những yếu tố thời tiết tôi vừa kể trên thực chất không phải là kiến thức gì cao siêu, chỉ đơn giản là bạn có để ý tới hay không thôi. Và không phải chỉ những người chăm cây mới cần để ý tới thời tiết, mà chính sức khoẻ và sức đề kháng của con người chịu ảnh hưởng rất nhiều, do vậy hiểu về thời tiết sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng trong việc chăm sóc cây, và bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình.

Có một tuyệt chiêu cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ với bạn, để bạn có thể chăm sóc cây một cách nhàn hạ nhất có thể như tôi.

Tuyệt chiêu này sẽ tổng hợp kiến thức từ 3 bài học lại với nhau, bạn có nhớ bài 1 và bài 2 tôi đã nói chia sẻ gì chứ? Hãy nhớ lí do vì sao khiến cây chết, nếu thực sự yêu cây cối và muốn sống hoà hợp với thiên nhiên, thì chúng ta hãy coi trọng những gì đang có. Thiên nhiên vốn đã ban tặng cho đất nước ta muôn loài động vật phong phú, nếu mà so sánh với các nước khác, thì Việt Nam chúng ta vô cùng trù phú, tuy nhiên vì đã có sẵn nên chúng ta thường hay coi thường. Bạn còn nhớ những gì tôi chia sẻ về những loại cây mọc dại đúng không? Chính vì nó mọc dại nên sức sống của nó đã quá quen với thời tiết khí hậu nơi đây rồi, và chính vì thế nó sẽ chẳng cần bạn chăm sóc đâu, chỉ cần bạn hiểu là điều kiện nó cần để sống là gì, ở nhà bạn có đủ điều kiện như vậy không, nếu đủ thì đặt nó vào đúng chỗ đó và việc bạn làm duy nhất chỉ là “chống mắt lên” mà xem nó sống.

Ví dụ thật cụ thể nhé, cây Lưỡi Hổ nếu về quê bạn sẽ thấy nó mọc dại rất nhiều, loài này ưa nắng vì nó là thực vật mọng nước (tương tự sen đá, xương rồng), tuy nhiên điểm khác biệt của nó là có thể sống được một thời gian dài trong môi trường thiếu sáng, và không cần nhiều nước. Vì thế nếu chăm tại nhà, bạn có thể đặt nó ở bất kì đâu, nếu chỗ có nắng thì càng tốt, nếu chỗ nào không có nắng, thì thỉnh thoảng đem nó đi phơi nắng là được. Cây cối cũng như con người thôi, nếu bạn bị nhốt trong nhà với 4 bức tường không có ánh sáng tự nhiên suốt 1 tuần, thì bạn có chịu nổi không? Còn nữa, vì nó ưa khô nên bạn sẽ chọn những loại đất trồng thật tơi xốp, thoát nước tốt và có thể kết hợp với chậu đất nung để hút nước, như vậy là bạn đã có một chậu Lưỡi Hổ hoàn hảo và chẳng cần chăm sóc mấy, 1-2 tuần mới cần đem ra ngoài và tưới 1 lần, quá đơn giản.

Còn một loại cây nữa mà mình muốn kể cho bạn, đó là Trầu Bà Vàng. Loài này cũng giống lưỡi hổ ở điểm là, vừa có thể chịu được nắng ngoài trời, vừa có thể sống được trong điều kiện ánh sáng yếu (trong nhà), tuy nhiên loài này lại ưa nước vì nó là dòng thân bò, trong tự nhiên hay bám và hút ẩm từ các thân cây to. Vì thế khi mang về nhà, bạn có thể thoải mái chọn vị trí, nên bổ sung thêm ánh đèn để nó khoẻ mạnh hơn nếu phòng quá thiếu ánh sáng, ngoài ra tưới 3-4 lần / tuần, cây Trầu Bà Vàng của tôi để ngoài trời và thậm chí nhiều khi quên tưới suốt 1 tuần, cây héo rũ ra và chỉ cần 1 gáo nước, nó lại tươi tắn và khoẻ mạnh. Đặc biệt với những dòng ưa nước và rễ bụ như Trầu Bà Vàng, có một cách chăm sóc nó cực kì thông minh, đó là áp dụng phương pháp trồng thuỷ canh, tức là trồng hoàn toàn bằng nước, như vậy là bạn sẽ chẳng cần tưới, cây vẫn sống và phát triển cực kì khoẻ mạnh.

Như vậy, sau 3 buổi học bạn đã nắm bắt được lý do dẫn đến việc cây chết và toàn bộ bí quyết dựa trên kinh nghiệm thực tế của tôi. Tuy nhiên, mọi kiến thức luôn cần những kinh nghiệm thực tế của bản thân bạn. Do vậy, khoá học này sẽ không dừng lại ở đây, từ giờ bạn đã có thể tự tin mua cây về chăm sóc mà không phải lo về bất kì điều gì, vì đã có sự hỗ trợ của tôi cùng đội ngũ vườn NOTH.

Hãy tham gia cộng đồng Yêu Cây Xanh để được hỗ trợ và chia sẻ từ các thành viên đã có kinh nghiệm tại link: https://www.facebook.com/groups/yeucayxanh/

 

PS: Tí thì quên mất, bạn còn nhớ trước khi tham gia khoá học này, tôi hứa sẽ sẽ tặng quà cho bạn sau khi hoàn thành các buổi học không? Chắc là bạn chẳng để ý đâu nhưng đã hứa thì tôi sẽ làm, món quà này là tâm huyết của đội ngũ vườn NOTH trong suốt 3 tháng qua, với mục đích phủ xanh mọi không gian sống của bạn dù là những ngóc ngách chật hẹp và thiếu thốn ánh sáng nhất, tôi sẽ bật mí cho bạn trong email ngày mai, hãy nhớ và đừng bỏ lỡ!

error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Copy link
Powered by Social Snap