1. Tình trạng cây
Là biểu hiện của cây trong thời điểm hiện tại. Khi đã quen nhận diện các biểu hiện đó, tức là bạn đã hiểu được nhiều phần cây đang muốn nói gì, cần gì.
Trong công cụ này chúng mình sẽ tóm gọn 2 tình trạng của cây: Bình thường hoặc Héo.
- Bình thường: cây không có biểu hiện gì khác so với lúc bạn mới mua về, chúng đang khoẻ mạnh, mơn mởn và tràn đầy sức sống.
- Héo: là từ được gọi chung mô tả cho việc cây đang không bình thường. Có nhiều kiểu héo khác nhau như lá mềm và rủ (không còn cứng cáp và khả năng đàn hồi khi chạm vào), lá héo vàng (không còn xanh tươi và đậm màu như trước)…
Đây là bước nhận diện đầu tiên để các Plant parents (cha mẹ của cây) đưa ra quyết định có nên tưới hay không, vì thế hãy quan sát kĩ nhé!
2. Điều kiện ánh sáng
Ánh sáng là “thức ăn” chính mà cây cần, giúp cây quang hợp để cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sống. Lượng ánh sáng được quyết định bởi Cường độ ánh sáng cùng Thời gian chiếu sáng trong ngày.
Lượng ánh sáng được coi là (1) Đủ sáng cho những dòng cây lá (monstera, philodendron, epipremnum, rhaphidophora, alocasia, caladium, calathea, anthurium, syngonium, fieffenbachia, …) là Ánh sáng tán xạ/ánh sáng được lọc (Filtered/Diffused sun), (2) Thừa sáng là Nắng trực tiếp (Direct sunlight), còn Ánh sáng phản chiếu (Reflected light) hoặc ít hơn là (3) Thiếu sáng.
Vậy làm sao để nhận biết điều kiện ánh sáng khi không cần đến các công cụ đo lường? Xem phần Các mức cường độ sáng trong bài viết Cơ bản về ánh sáng khi chăm sóc cây nhà để được mô tả chi tiết hơn về những loại ánh sáng kể trên.
3. Độ ẩm đất (giá thể trồng)
Đất/giá thể trồng chính là “bể chứa nước”. Tại đây bộ rễ sẽ hút nước để chuyển hoá dinh dưỡng đi nuôi mọi tế bào. Đất ngoài việc giữ ẩm tốt thì cấu trúc của nó cũng vô cùng quan trọng. Những khoảng trống bên trong đất sẽ giúp bộ rễ hít thở dễ dàng, tạo điều kiện cho rễ phát triển nhanh hơn. Cấu trúc đất càng thoáng thì rễ càng khoẻ và giảm thiểu nguy cơ úng thối. Xem thêm tại bài viết Vì sao phải thay đất cho cây nhà?.
Muốn biết rằng cây đã cần tới nước hay chưa, chúng ta cần phải biết bể chứa nước này còn hay đã cạn nước.
- Khô hoàn toàn: Tức là toàn bộ phần đất/giá thể từ bề mặt tới đáy chậu đều đã khô.
- Khô bề mặt: Mặt đất đã khô với độ sâu khoảng 2 đốt ngón tay (đối với chậu <16 cm) hoặc 3 đốt ngón tay (đối với chậu <25cm), phần phía dưới đáy chậu vẫn còn ẩm.
- Ẩm toàn bộ (hoặc ướt): Là khi toàn bộ phần đất/giá thể có trong chậu đang ở trạng thái ẩm.
Cách kiểm tra: Sử dụng ngón tay hoặc đũa gỗ (loại không có lớp sơn phủ), hoặc bông tăm, chọc xuống bề mặt đất và chọc từ dưới lỗ đáy chậu. Nếu trên dưới đều khô, có nghĩa là đất đang trong trạng thái Khô hoàn toàn.
Chi tiết về cách kiểm tra độ ẩm đất tại Cách tưới nước cho cây nhà.
4. Độ lưu thông khí
Là mức độ thông thoáng tại nơi mà bạn đặt cây.
- Kém (bí bách): Trong phòng kín gió, cửa sổ hoặc cửa thông gió được đóng lại.
- Tốt (thoáng đãng): Khi cây ở gần cửa sổ đang mở, ban công, phòng có quạt trần…
- Mạnh (gió lớn): Thường ở các vị trí như ban công, ngoài trời vào những ngày gió mạnh, thời điểm sắp mưa lớn.
Độ lưu thông khí sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng thở của rễ và tốc độ khô của đất/giá thể.
5. Độ ẩm không khí
Cùng với sự lưu thông khí, độ ẩm là yếu tố tác động đến tốc độ khô nhanh hay chậm của đất/giá thể.
Nếu có ẩm kế thì việc xác định độ ẩm rất đơn giản. Khô (dưới 40%), Bình thường (40-70%) và Ẩm ướt (trên 70%). Bạn cũng có thể cảm nhận độ ẩm không khí bằng da, mũi, cảm giác. Độ ẩm phòng điều hoà sẽ từ 30-50% tức là ở mức khô hoặc hơi khô. Độ ẩm phòng thông thường với điều kiện thoáng vào những ngày mưa nhiều sẽ trên 70%.