Pteridomania: Dân Victoria và nỗi ám ảnh với Dương xỉ
Pteridomania – “Cơn sốt Dương xỉ”, là từ ghép của “pteridophyte” (90% trong số đó là các loài Dương xỉ) và “mania” (cơn sốt, thú cuồng, sự đam mê ám ảnh…). Hơn cả một xu hướng thoáng qua, đây là một trong những trào lưu mạnh mẽ nhất, dị thường nhất, và có ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi mặt đời sống và mọi tầng lớp dân ở thời Victoria.
Victorian era – Thời đại của các “dân chơi”
Nước Anh thế kỷ XIX dưới thời Nữ hoàng Victoria là một thời đại của các “dân chơi”, đó chắc chắn là điều mà tiết Lịch sử hồi cấp 1 không dạy cho bạn. Là kết quả của sự giàu lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu – tiểu tư sản, Victorian era trưng ra đủ những hành vi và nỗi ám ảnh kì lạ ở con người: chơi chó, chơi chim, chơi bướm, chơi lan, sưu tầm vỏ ốc và hoa dại… Lần đầu tiên trong lịch sử châu Âu, việc nghiên cứu tự nhiên không chỉ giới hạn trong vòng tròn của các nhà thực vật học chuyên nghiệp hay giới thượng lưu, nó đã trở thành một “món ăn tinh thần” cho đại chúng: Một thời hoàng kim của các nhà tự nhiên học nghiệp dư.
Pteridomania bắt nguồn từ một khám phá khoa học cuối thế kỷ 18 tiết lộ rằng Dương xỉ có thể mọc từ bào tử. Trước khi phát hiện này được công bố, người ta chỉ có thể bó tay khi một cây Dương xỉ chết, dù nó đắt giá đến mức nào. Khả năng sinh sản từ bào tử khiến Dương xỉ đột nhiên trở thành một thú chơi “bền vững” hơn, cho phép các giống quý hiếm dễ dàng được vận chuyển và thổi bùng một làn sóng của thử nghiệm và nhân giống cho bất cứ ai quan tâm. Thú chơi Dương xỉ được quảng cáo trong những năm 1830s như một loài cây dành cho những “người thông minh”, một biểu tượng của gout thẩm mĩ cao và một lối sống đáng mơ ước.
Chơi Dương xỉ thời Victoria – Chơi cách nào?
1. Thực hành nghiên cứu
Một trong những điều thú vị nhất về Pteridomania là nó phá tan các ranh giới xã hội cứng nhắc của thời đại giữa đàn ông – đàn bà, người giàu – kẻ nghèo. Để tham gia vào cơn sốt Dương xỉ không đòi hỏi tiền bạc hay quá nhiều kiến thức, chỉ cần bạn quan tâm tới Dương xỉ và dành thời gian để ra ngoài tìm kiếm chúng.
Cách “chơi” đơn giản nhất là đi tới những nơi Dương xỉ thường mọc để khảo sát sự đa dạng loài nơi đó, đôi khi là lấy mẫu vật về để làm tư liệu. Một số người thậm chí còn khám phá ra những loài hoàn toàn mới. Công việc này thú vị tới mức người ta lập nên vô số nhóm, hiệp hội… những người ham mê cuồng nhiệt để tổ chức các buổi “hunting paties”. Họ sẽ chia nhau đi các hướng, lấp đầy các giỏ đựng bằng Dương xỉ để rồi quay trở về chia sẻ với nhau xem ai tìm được những loài hiếm và thú vị nhất. Những người giàu thậm chí còn biến các buổi đi “săn” Dương xỉ thành buổi dã ngoại với tiệc trà và đoàn tùy tùng để hỗ trợ họ mang “chiến lợi phẩm” về nhà.
Các buổi dã ngoại như vậy được cho là “lành mạnh” và “văn minh”, và đó là lí do khiến trend Dương xỉ đặc biệt thịnh hành đối với các quý cô London khi họ được hưởng chút tự do cùng bạn bè, cũng là dịp để các nam thanh nữ tú tha hồ gặp gỡ nhau mà không lo phải có người kèm cặp. Trong “Glaucus, or the Wonders of the Shore”, Charles Kingsley đã viết, “Những cô con gái của bạn, có lẽ, đã bị thu hút bởi trào lưu ‘Pteridomania’ đang thịnh hành … tranh luận sôi nổi với nhau về những cái tên khoa học không thể phát âm nổi của các loài Dương xỉ (mà có vẻ khác nhau trong mỗi cuốn sách mới về Dương xỉ mà chúng mua).”
Giới nghiên cứu thực vật đương nhiên không thể nằm ngoài cơn sốt này. Từ năm 1837 tới 1918, Pteridomania đã châm ngòi cho gần 100 cuốn sách viết về Dương xỉ. Cứ Google “Victorian books about ferns” là bạn sẽ rõ. Hoặc bạn có thể đọc miễn phí các số tạp chí về Dương xỉ của BPS (British Pteridological Society) tại đây sau 2 năm kể từ ngày số đó được xuất bản. Mức độ chỉn chu và độ trải rộng mọi mặt các nghiên cứu với chủ đề Dương xỉ và Pteridophyte đủ để bạn hiểu được: độ “cuồng” của dân Victoria đối với loài cây này là vô hạn.
Bìa trước sách “Fern-Fever” – Sarah Whitttingham. Bìa sau “Fern-Fever” – Sarah Whitttingham với hình ghế băng được trang trí với theme Dương xỉ.
2. Sưu tập và trưng bày
Dương xỉ hiển nhiên đã đem đến niềm vui cho dân Victoria. Gần như nhà nào, dù bần nông nghèo lắm cũng phải trồng bằng được một chậu Dương xỉ. Nhu cầu sưu tầm lớn tới mức những loài Dương xỉ bản địa sớm không đủ thỏa mãn họ, và việc nhập khẩu Dương xỉ từ các “Tân Thế giới” bao gồm châu Úc, Vùng Caribbean và Nam Mỹ… trở nên thịnh hành hơn. Giá Dương xỉ ngày càng được đẩy lên cao khi những nhà sưu tầm đòi hỏi nhiều loài mới lạ để thêm vào bộ sưu tập của mình. Với sự nhập nhằng của giá cả, thị trường chợ đen trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Để chơi Fern thì phải có “Fernery“. Một cách trưng bày Dương xỉ điển hình đúng chuẩn Victoria, đó là trồng kèm các loại thực vật ưa ẩm khác trong những “Wardian case” – một dạng nhà kính thu nhỏ giống với Terrarium ngày nay nhưng với mức độ chế tác cầu kỳ và tinh xảo gấp nhiều lần. Giới thượng lưu thậm chí còn xây nên những hang đá phong cách gothic được tính toán kĩ lưỡng. Các cây lớn, cây bụi được trồng xung quanh một cách có chủ ý để che bớt nắng và “bảo hộ” cho những cây Dương xỉ quý giá, làm sao để trông chúng cứ như được mọc lên tự nhiên từ một phế tích nhà thờ. Một loài hot-trend thời đó là Adiantum ×mairisii nổi tiếng bởi khả năng chịu nắng so với hầu hết các loài Adiantum khác, là giống lai được tạo nên một cách tình cờ bởi vườn ươm Mairis & Co.. Adiantum ×mairisii ban đầu là một loài Dương xỉ vô sinh, buộc phải nhân giống bằng cách tách cụm cho tới khi chúng được nhân giống trong phòng thí nghiệm cấy mô. Dạo quanh các nhà vườn thời nay, rất có thể bạn đã bắt gặp Adiantum ×mairisii ở đâu đó với giá rẻ mạt, nhờ công lao “đại trà” hóa công nghệ nuôi cấy mô của người anh lớn Trung Quốc.
Adiantum ×mairisii. Photo: Ben Bergmann – CC BY 2.0. Adiantum ×mairisii cận cảnh. Photo: Ben Bergmann – CC BY 2.0.
“Nếu bạn trang bị nội thất cho ngôi nhà của mình, đi dạo bên bờ biển, lạc vào những khu vườn cảnh, đi xem hát và các buổi hòa nhạc, thăm các triển lãm, đọc tiểu thuyết, chơi nhạc, hoặc dành thời gian trong bệnh viện, bạn sẽ bắt gặp Dương xỉ và ferneries” – Sarah Whittingham đã viết như thế trong cuốn sách nổi tiếng “Fern-Fever The Story of Pteridomania”. Một câu nói đủ tóm gọn mức độ phủ sóng của Pteridomania trong tâm tưởng dân Victoria cũng như trong thế giới vật lý mà họ chế tác nên.
Tính hai mặt của Thú chơi
Tình yêu quá lớn đối với những loài Dương xỉ quý hiếm đã khiến người ta nghiêng mình qua những dòng sông chảy xiết, đi trên khe núi dựng đứng, lội qua những vũng lầy, tìm đường vào các thác nước và bãi đá… Tai nạn khi đi “săn” Dương xỉ khá phổ biến, thậm chí đôi khi còn gây tử vong.
Với sự truy lùng ráo riết của con người, nhiều loài Dương xỉ dại thời Victoria đã bị khai thác gần như cạn kiệt. Đổi lại, hàng ngàn loài hoàn toàn mới đã sinh ra nhờ lai tạo giống. Thậm chí, nhiều loài Dương xỉ đã sinh ra nhờ vào việc trao đổi giao tử ngẫu nhiên khi bố mẹ chúng được trồng chung trong các Wardian case, và điều kì diệu có thể xảy ra ngay trong khu vườn của những người dân bình thường. “Bàn tay của Chúa” đột nhiên hiện diện trước mắt người, đặt nghi vấn về sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa.
Độ cuồng của cả một xã hội Victoria đối với một nhánh thực vật phản ánh phần nào thực trạng cuộc sống. Tới năm 1851, hơn một nửa dân cư Anh là người thành thị. Thành phố, các công xưởng, khu thương mại, những căn lâu đài thuộc sở hữu tư nhân với kiến trúc gothic kín cổng cao tường, một mặt ngăn cách con người với đồng quê, mặt khác đẩy lên càng cao nỗi khao khát kết nối với tự nhiên và bằng cách nào đó được “sống” thông qua tương tác với tự nhiên. Nhờ vào thú chơi Dương xỉ, con người ở mọi giai cấp địa tầng có cơ hội kết nối với nhau và tái kết nối với thiên nhiên.
Trùng hợp thế nào, sau cái chết của Nữ hoàng Victoria, thú cuồng Dương xỉ cũng dần rơi vào quên lãng. Nhưng ở một mặt nào đó, những thú chơi “vintage” như Pteridomania vẫn tồn tại âm ỉ cho tới ngày nay, chỉ là mang những khuôn mặt và cái tên khác. Quyền năng và sức hút thần bí của thực vật dường như là một điều khó giải thích, và đó là lí do NOTH Garden quyết định mang tới bạn một Series bài viết giúp khảo sát, lược sử những trend chơi cây trong thời gian sắp tới. Đón đợi bạn nhé!
Tham khảo
- https://en.wikipedia.org/wiki/Fern#Ecology
- https://www.pacifichorticulture.org/articles/pteridomania-today/
- https://daily.jstor.org/when-ferns-were-all-the-rage/
- https://www.wise-geek.com/what-is-pteridomania.htm
- https://gardencollage.com/wander/gardens-parks/ferb-obsession/
- https://www.historic-uk.com/CultureUK/Pteridomania-Fern-Madness/
- https://ebps.org.uk/fern-fever/
___
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.