Sansevieria (Lưỡi hổ) – Cây nội thất kinh điển
Bạn sẽ hiểu được những lý do vì sao Lưỡi hổ từ một loài cây mọc dại trở thành cây nội thất “nhẵn mặt” với mọi nhà, trong đó có cả yếu tố gây nhiều tranh cãi: Phong Thủy.
- Giới thiệu chung
- Câu chuyện về cái tên của Lưỡi hổ
- Nguồn gốc – Đặc tính – Ý nghĩa phong thủy
- Cách chăm sóc tổng quan
- 3 cách nhân giống Lưỡi hổ
- Các vấn đề thường gặp
- Hỏi đáp/FAQ
Nguồn gốc và đặc tính của Lưỡi hổ
Sự ưa chuộng và ưu ái đối với cây Lưỡi hổ (Tên chi cũ: Sansevieria), đặc biệt ở châu Á khiến cho ít ai có thể hình dung được đây là dòng cây bắt nguồn từ vùng bản địa châu Phi. Lưỡi hổ đã du hành từ vùng nhiệt đới Tây Phi, Madagasca và Nam Á tới mọi nơi trên thế giới từ khi con người bắt đầu có khái niệm mang cây cối vào không gian trong nhà.
Nhận dạng: Lưỡi hổ (tên chi cũ: Sansevieria; nay là Dracaena) là tên gọi chung cho khoảng 70 loài thực vật có hoa trong họ Măng tây. Dù có vô vàn giống loài với những màu sắc, biến thể khác nhau, người ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra Lưỡi hổ thông qua dáng lá thuôn nhọn, mọng nước và họa tiết rằn ri “vằn vện” đặc trưng. Những dòng Lưỡi hổ thường thấy có thể rơi vào hai loại chính: loại mọc lá dài, cao như mũi mác và loại mọc chụm thành đóa hơi giống với Agave (Dứa bà), Aloe (Nha đam)… Hình dáng lá phụ thuộc vào nơi cây sinh ra. Lá càng dày, rắn rỏi, cứng cáp chứng tỏ nơi nó sinh ra có điều kiện càng khắc nghiệt.
Độc tố: Cây có thể phản pháo bằng độc tố nếu bị người hoặc động vật ăn phải. Trong lá Lưỡi hổ chứa Saponins có khả năng gây ra các vấn đề đường ruột như buồn nôn, tiêu chảy… Tuy nhiên lượng độc tố tập trung không cao và bạn phải ăn rất nhiều Lưỡi hổ mới có thể được trải nghiệm những hiệu ứng kể trên.
Sinh sản: Ngoài hình thức sinh sản hữu tính thông qua hạt, Lưỡi hổ cũng có thể (và chủ yếu) sinh sản vô tính bằng cách mọc ra cây con từ gốc của cây mẹ. Đó là đặc tính giúp cho việc nhân giống Lưỡi hổ trở nên đơn giản. Tuy nhiên nếu như bạn có may mắn được nhìn thấy hoa của Lưỡi hổ thì hãy chớp lấy cơ hội vì Lưỡi hổ rất hiếm khi ra hoa… Lưỡi hổ có hoa rất đẹp và thơm, mật hoa (“Nectar”) có vị ngọt thanh và thường đọng thành giọt quanh đài và cuống hoa để thu hút bướm đêm đến thụ phấn.
Sinh trưởng: Lưỡi hổ là loài lớn chậm. Trong khi các loài như D. trifasciata và D. laurentii có thể phát triển dài tới 90cm, các loài Lưỡi hổ lùn như D. hahnii chỉ cao khoảng 10-20cm. Đặc biệt loài D. cylindrica (ở Việt Nam gọi là cây Ngà voi) có thể cao tới 1,5m khi được trồng lâu năm. Tuy nhiên lá Lưỡi hổ sẽ không bao giờ lớn được nữa nếu như phần chóp của nó bị gãy do đó là nơi có mô phân sinh làm nhiệm vụ sản xuất ra tế bào mới. Lợi dụng đặc tính này, chóp lá của cây Ngà voi tại các vườn ươm cây cảnh thường bị bẻ gãy hoặc quét sơn lên để ngăn chặn lá dài thêm khi đã đạt tới độ cao mong muốn. Cây sẽ ra được nhiều cây con và trông gọn ghẽ hơn. Tuy nhiên đây có phải một ý hay hay không thì mình chưa dám chắc?!
Tính cách rắn rỏi
Do xuất phát từ vùng nhiệt đới nóng và khô, Lưỡi hổ đã biến toàn thân, lá thành nơi chứa nước. Nó cũng được coi là một loài cây mọng nước (Succulents) giống với Xương rồng, Sen đá. Sự chai lì gần như bất tử của dòng cây này là sự kết hợp của hai yếu tố hiếm khi đi kèm với nhau, đó là không đòi hỏi nhiều nước và không cần nhiều ánh sáng. Điều này nghĩa là gì?
Trong tự nhiên, cứ cây nào cần nhiều nắng thì cần ít nước mà cây nào sống trong bóng râm thì thường ưa ẩm. Con người đã lợi dụng điều này để trồng các cây Xương rồng, Sen đá ngoài ban công, sân thượng… để chúng thoả thích phơi nắng và đưa các cây nhiệt đới ưa ẩm vào nơi bóng râm trong nhà. Lưỡi hổ nằm ở khoảng giữa và vì thế, có khả năng giữ vững phom dáng mà không đòi hỏi nhiều sự chăm sóc, kể cả khi đặt ở nơi ít ánh sáng và không tưới trong một thời gian tương đối dài thì chúng cũng không dễ dàng bị “hủy diệt” như các dòng cây khác. Trong điều kiện bị giới hạn, chúng đơn giản là lớn chậm lại. Sự đủng đỉnh, “chậm mà chắc” này của Lưỡi hổ khiến nó trở thành lựa chọn hoàn hảo cho những người mới tập chăm cây.
Từ loài mọc dại tới cây nội thất “kinh điển”
Như mình đã chia sẻ trước đó, Lưỡi hổ được người Trung Hoa cổ đại sử dụng làm cây cảnh trong nhà kể từ khi con người bắt đầu có khái niệm về cây nội thất. Những ứng dụng về mặt phong thủy của Lưỡi hổ có thể kể đến, bao gồm cả những điều khá kì cục, ví dụ như:
- (Hàn Quốc) Dùng làm quà tặng trong các dịp khai trương cửa hàng, doanh nghiệp do màu xanh của Lưỡi hổ giống với màu đồng đô-la Mỹ.
- Để chậu Lưỡi hổ gần toilet để kéo lại rung động của sự “thất thoát” vì dáng hướng thẳng lên trên của Lưỡi hổ biểu thị khí dương.
- Đặt đủ gần trẻ em để cho chúng “thuần tính”, nhưng cũng đủ xa vì lo sợ rằng trẻ em ăn phải sẽ bị trúng độc.
- Người sở hữu Lưỡi hổ sẽ được tám vị thần ban tặng cho 8 đức tính quý giá: Thịnh vượng, sắc đẹp, sống lâu, thông minh, sức khỏe, nghệ thuật, sức mạnh và thơ ca.
- Dáng mũi mác của Lưỡi hổ giống như khiên đỡ, bảo vệ gia đình khỏi tà khí do vậy nên để cây ở cửa ra vào, hành lang…
Có lẽ mình chỉ cần kể tới đây thôi, hẳn bạn đã thấy cái nhìn phong thủy về Lưỡi hổ mang rất nhiều màu sắc cảm tính. Lại nữa, nếu như có bạn nào tới NOTH tìm cây Lưỡi hổ vì hợp mệnh, có lẽ mình cũng không muốn làm bạn bối rối với thông tin rằng một chậu cây Lưỡi hổ có thể hợp tất cả các mệnh. Lưỡi hổ (dòng Dracaena trifasciata) là yếu tố Mộc, nhưng viền vàng của nó là màu hoảng kim thuộc về mệnh Kim, hình dáng tua tủa như ngọn lửa lại mang tính chất của mệnh Hỏa; chưa kể tới hình dáng, chất liệu, màu sắc của chậu, đá sỏi trang trí… Trong một chậu cây đã bao gồm cả ngũ hành, nhờ vậy mà mới có sự sống.
Những ví dụ trên giúp bạn thấy được rằng nói tới phong thủy là nói tới một chủ đề phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Điều then chốt đối với phong thủy đó chính là nhìn thấy sự liên kết giữa các yếu tố khác nhau. Thật ra mỗi hiện tượng, dù là cái cây, nắm đất, bông hoa… đều mang trong nó một dạng năng lượng đặc trưng. Đó là điều mà các nhà khoa học cũng đang khám phá ra thông qua khái niệm về sóng rung động. Vì vậy nếu như bạn thật sự đam mê phong thủy và muốn có được lợi ích thật sự, hãy đi tìm những chuyên gia thay vì tin báo mạng. Và khi đó mỗi quyết định ví dụ như đặt cây Lưỡi hổ ở đâu thì thu hút tiền tài, sẽ phải kéo theo một công cuộc khảo sát mọi yếu tố trong nhà và xung quanh nơi ở của bạn, một công trình nghiên cứu khoa học thực sự nghiêm túc.
Lưỡi hổ, suy cho cùng cũng chỉ là một loài cây như mọi loài cây khác, đều là những cây mọc dại có sẵn ngoài tự nhiên cho tới khi được con người gán lên những nhãn mác, những định kiến mà chỉ con người có. Nếu như để nói tất tần tật những điều thần kì hay ý nghĩa phong thủy của Lưỡi hổ, có lẽ những trang báo mạng sẽ làm tốt hơn mình rất nhiều. Vườn NOTH không thể phán giúp bạn như thầy phong thủy, mà chỉ có thể cung cấp những thông tin thực tiễn, dựa trên trải nghiệm có thực của bọn mình như làm thế nào để chăm Lưỡi hổ một cách nhàn hạ nhất hay làm sao để tự nhân giống được thật nhiều chậu Lưỡi hổ… Giúp cho cây có thể sống khỏe mạnh, làm giàu có đời sống tinh thần và niềm hạnh phúc khi tiếp xúc với thiên nhiên, chính là ý nghĩa to lớn nhất đối với bọn mình.
- Giới thiệu chung
- Câu chuyện về cái tên của Lưỡi hổ
- Nguồn gốc – Đặc tính – Ý nghĩa phong thủy
- Cách chăm sóc tổng quan
- 3 cách nhân giống Lưỡi hổ
- Các vấn đề thường gặp
- Hỏi đáp/FAQ
Tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Sansevieria
Loạt bài trong mục “Hồ sơ cây (Plant Profile)” được xây dựng dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của vườn NOTH. Nếu bạn yêu thích Lưỡi hổ và có kiến thức muốn chia sẻ thêm, mục Đóng góp nội dung cuối bài là dành riêng cho bạn.
___
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung Mọi thông tin trong bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm. Nội dung trong bài sẽ không được đảm bảo là chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhật nội dung bài viết (có thể thêm/sửa nội dung) sao cho phù hợp với người đọc nhất có thể. Vì vậy chúng mình mong muốn nhận được sự đóng góp và đánh giá lại mọi thông tin để bài viết ngày càng hoàn thiện hơn và người đọc có thể nhận được những thông tin ngày càng chất lượng hơn.