Thấy gì từ thế giới thực vật của Pandora (Avatar)
Hệ thực vật viễn tưởng của Pandora, dù kì quái tới đâu, cũng sẽ cần “tiếp đất”. Chúng tới từ bộ óc của con người và vì thế rất khó để tách rời với những điều mà con người đã học hỏi được về sự vận hành của tự nhiên đã có sẵn trên Trái Đất.
LƯU Ý:
!NO SPOILERS: Bài viết không tiết lộ chi tiết và diễn biến phim quan trọng nên bạn có thể đọc thoải mái dù đã xem phim hay chưa.
!COPYRIGHTED CONTENT: Trừ những nội dung ghi rõ nguồn, tất cả các hình chụp (screenshots)/clip từ phim thuộc về Công ty Walt Disney – chủ sở hữu của bộ phim Avatar (2009). Tác giả bài viết không sở hữu bất kỳ nội dung số nào thuộc về Disney và việc sử dụng dựa trên Nguyên tắc sử dụng hợp lý (Fair-Use). Người đọc nên cân nhắc khi chia sẻ nội dung từ trang này tuân theo nguyên tắc Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh.
Dẫn nhập
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một thế giới mà người máy trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligent) đã phát triển tinh tế tới mức khó có thể phân được với con người bằng những cách thức thông thường. Khi đó người ta phải phát triển một bài kiểm tra đặc biệt. Đối tượng sẽ phải trả lời một set câu hỏi để kiểm tra khả năng suy nghĩ, phản ứng của họ trước các tình huống nhất định. Dựa vào đó, ta có thể phán đoán xem đối tượng đó là con người hay AI.
Xem thử một bài test Voight-Kampff tại đây.
Trên thực tế phép thử này đã được phát triển từ rất lâu, có tên là phép thử Turing. Nó được ít nhiều nhắc tới trong hầu hết các bộ phim Sci-fi (phim khoa học viễn tưởng) nói tới AI như Blade runner (1982), Aliens: Prometheus (2012), Her (2013), Ex Machina (2014), Westworld (2016-).v.v.. Nó cần một cơ sở, một điểm neo, một mệnh đề khoa học, kể cả là giả khoa học để có thể kết nối với bạn. Các bộ phim Sci-fi thành công dựa trên một nguyên tắc tưởng như đối nghịch: nó không được quá “viễn tưởng” tới mức không thể tin được. Ngược lại, tác phẩm sẽ càng hay nếu nó gợi nên những khả năng rằng nó hoàn toàn có thể hiện thực hóa trong đời thực.
Về phần Avatar (2009), phim là kết quả cộng tác của một đội ngũ khổng lồ các nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà khoa học, kĩ sư, nhà thiết kế, chuyên viên tư vấn… chia thành các team làm việc đồng thời trên tất cả các khía cạnh của phim. Họ đã xây dựng được một hành tinh Pandora có hệ sinh thái, hệ di sản, cụ thể hơn là ngôn ngữ, văn hóa, âm nhạc, hành vi ứng xử, thực hành tâm linh… có màu sắc hoàn toàn mới nhưng lại hoàn toàn tin được. Phim không phải là không có “sạn” về tính khoa học, tuy nhiên thế giới mà ekip làm phim tạo ra có đủ tính hệ thống và chi tiết để có thể đứng vững và phát triển thêm cả về mặt giả thuyết lẫn thực tế.
Mình luôn tò mò khi một cái cây, rộng hơn là cả một hệ thực vật viễn tưởng được sinh ra bằng cách nào. Với mỗi frame hình ảnh xuất hiện trong phim, bạn phải quyết định xem loài cây nào/quần thể thực vật nào sẽ xuất hiện. Nó phải có hình dáng, cấu trúc, màu sắc, cách thức tương tác với môi trường, thậm chí phải được đặt cho một cái tên hợp lý. Dr. Jodie S.Holt – nhà tư vấn về sinh lý thực vật cho Avatar đã nói rằng những thiết kế của team phải dựa trên cơ sở khoa học, “to really have as much real and good science in it as it could be”.
Tìm hiểu về những cái cây làm bằng CGI ư? Dù điều này nghe có vẻ kì cục, nhưng sau khi xem phim tài liệu về cách thức mà bộ phim này được thực hiện, mình đã nghĩ thầm nhất định phải tìm hiểu một cách nghiêm túc về hệ thực vật viễn tưởng của Pandora. Suy cho cùng thì chính ở trong bộ phim, mọi thứ trên hành tinh Pandora cũng đang được nghiên cứu và khám phá. Mình sẽ thử quan sát, tổng hợp những giả thuyết đã có và đưa ra một số phán đoán cá nhân dựa trên một hệ quy chiếu khác với ở Trái Đất. Đây chắc chắn sẽ là một hành trình thú vị.
Mặt trăng Pandora
Một khi đã ở “ngoài hành tinh” có thể cái cây alien không còn được gọi là cái cây nữa. Dạng sống của nó có thể sẽ khác xa với cái gọi là “thực vật” ở Trái Đất(*). Thậm chí, thực vật cũng có thể mang những màu sắc khác như xanh biển, đỏ, tím… thay vì xanh lá, tùy thuộc vào ngôi sao mà nó lấy năng lượng. May thay, Pandora lại là một nơi có rất nhiều điểm tương đồng với Trái Đất của chúng ta.
(*) Tuy không hoàn toàn chính xác, danh từ “thực vật” sẽ tiếp tục được sử dụng trong bài để người đọc tiện theo dõi.
Cảnh quan thực vật rừng nhiệt đới xanh mướt ở Pandora.
Pandora là một “Mặt trăng” xoay quanh hành tinh Polyphemus, nằm trong hệ mặt trời Alpha Centauri cách hệ mặt trời của chúng ta 4.4 năm ánh sáng. Tất cả các dạng sống trên Pandora đều bị ảnh hưởng từ năng lượng của “Mặt trời” này. Ngoài ra bề mặt của Pandora được bao phủ bởi các đại dương, các thảo nguyên, và đặc biệt là rừng nhiệt đới trên lục địa giống y như vùng lưu vực sông Amazon trên Trái Đất. Thực vật ở đó cũng tự dưỡng bằng hình thức quang hợp, cũng có màu xanh lá để hấp thụ hiệu quả nhất các bước sóng từ “Mặt trời”. Màu xanh tràn ngập trên Pandora tạo ra một cảm giác “nguyên thủy” khiến ta liên tưởng tới Trái Đất thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài mà thôi.
So sánh hệ thực vật Pandora và Trái Đất
1. Kích cỡ khổng lồ
Thực vật ở Pandora thoạt nhìn có vẻ khá quen thuộc, chỉ có điều là chúng phát triển với kích cỡ lớn gấp nhiều lần so với thực vật trên Trái Đất. Điều này có thể là kết quả của:
1a. Trọng lực yếu
Nơi cao nhất mà cái cây có thể mang nước lên được chính là giới hạn độ cao của nó. Do kích cỡ nhỏ hơn Trái Đất, Pandora có trọng lực thấp hơn tới 20% và vì thế mà nước được đưa lên rất cao khỏi mặt đất. Điều này có thể đã giúp cho cây phát triển tới kích cỡ không tưởng.
1b. Mật độ không khí đậm đặc
Một yếu tố nữa ảnh hưởng tới thực vật ở Pandora là mật độ không khí đậm đặc, đồng nghĩa với sức gió mạnh hơn gấp nhiều lần trên Trái Đất. Cây cối ở Pandora đã phát triển hệ thống thân, cành, lá cứng cáp và/hoặc khả năng linh động để đơn giản là đứng vững được trên mặt đất. Trong bầu khí quyển của Pandora, những con người Trái Đất phải đeo mặt nạ nếu không muốn bị chết ngạt trong chưa tới 2 phút bởi mật độ cao các loại khí độc như Xenon (>5.5%) và H2S (>1%). Đổi lại, CO2 chiếm tới >18% bầu khí quyển (ở Trái Đất là khoảng 0.035%) khiến sự quang hợp – trao đổi chất diễn ra cực kì mạnh mẽ. Thực vật nhờ đó mà có khả năng trở thành những kẻ khổng lồ.
1c. Trường điện từ mạnh
Trường điện từ (EMF – Electromagnetic Field) mạnh mẽ của Pandora thể hiện rõ nhất ở những Xoáy từ trường (Flux Vortex). Nếu ai đã từng tìm hiểu về khu tam giác quỷ Bermuda trên Trái Đất thì có thể mường tượng được mức độ tác động của các Xoáy từ trường. Nó mạnh tới mức làm chệch hướng hoàn toàn các máy định vị, khiến cho bất cứ một máy bay nào tiến tới khu vực Xoáy cũng phải chuyển sang chế độ lái thủ công. EMF là nguyên nhân trực tiếp khiến cho thực vật của Pandora phát triển Từ hướng (magnetotropism) mạnh hơn rất nhiều lần Trái Đất. “Magnetonasty” là từ ngữ được các nhà thực vật gọi tên hiện tượng này ở Pandora, trong đó “magneto”=từ tính và “nasty”=sự di chuyển.
Lí do mà mình nghĩ EMF có thể là nguyên nhân khiến cây cối của Pandora phát triển to lớn là bởi vì có một cơ số các nghiên cứu về Từ hướng thật sự đã được thực hiện. Phần lớn cơ thể thực vật được tạo nên từ các chất sinh học là protein chứa các ion kim loại, chẳng hạn như hemoglobin, cytochrome hoặc ferritin… vì thế mà chúng có phản ứng nhất định với từ trường. Chưa kể có nhiều loài cây trên Trái Đất còn chủ động tích trữ kim loại. Ví dụ như loài Pycnandra acuminata hấp thụ lượng nickel cao gấp 50.000 lần mức nickel nó cần và chưa ai giải thích được thấu đáo lí do vì sao.
Trường điện từ có ở mọi nơi và Trái Đất cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên với một nơi có trường điện từ nhân lên gấp cả nghìn lần như Pandora, chắc hẳn các protein, enzym và hoormone tăng trưởng… bên trong thực vật đã được hoạt hóa ở một cấp độ cao hơn hẳn. Có thể thực vật ở đây cũng chủ động thu hút kim loại vì một lí do nào đó. Những cây khổng lồ HomeTree (tên Na’vi: Kelutral) không biết vô tình hay hữu ý lại mọc trên những bể trữ unobtainium – loại khoáng chất tự nhiên có khả năng “khinh công” trong trường điện từ của Pandora. Có lẽ việc hấp thụ lượng lớn unobtainium đã giúp thực vật của Pandora bẻ cong các quy luật vật lý.
2. Phát quang sinh học (bioluminescence)
Nói tới những sinh vật phát sáng, chúng ta có những đại diện như sứa biển, cá biển, bọ cạp, đom đóm, giun đất, nấm, sinh vật phù du… Tuy nhiên sự tự phát sáng là điều chưa hề được ghi nhận ở cây cối trên Trái Đất, trừ phi chúng được cấy gene phát sáng từ các loại nấm, vi sinh vật, hoặc thậm chí là đom đóm – những loài có sẵn khả năng này. Dưới đây là một nghiên cứu cấy gen vào thực vật thực hiện bởi Planta.
Phát quang sinh học, trong khi đó, lại là tính chất mà hầu như mọi sinh vật của Pandora đều có. Khi Jake (người Trái Đất) tới Pandora lần đầu tiên trong đời, Neytiri – một cô gái người bản địa đã dập ngọn đuốc mà Jake thắp lên để xua đuổi thú dữ. Và đó là khi anh thực sự thấy được điều kì diệu từ trong bóng tối. Không cần đuốc nữa! Các loài thực vật ở đây đã tiến hoá khả năng tự phát sáng, thậm chí có thể thay đổi cường độ sáng một cách mạnh mẽ khi có tác động vật lý. Chúng tạo nên một khung cảnh ảo diệu như trong mơ vậy.
Tại sao cây cối ở Pandora lại phát sáng? Lí giải cho hiện tượng này ta cần quay trở lại vấn đề quỹ đạo. Pandora là một hành tinh ở cấp độ tương tự với Mặt Trăng của chúng ta. Nó có độ nghiêng trục cao (29 độ), quay xung quanh Polyphemus và Polyphemus quay xung quanh “Mặt trời” Alpha Centauri A (ACA). Điều này làm nên sự thay đổi đáng kể về tỉ lệ ngày – đêm và có thể đã khiến cho nó trải qua nhiều thời kỳ mà thời gian ban đêm bị kéo dài. Nhiều khu vực nhận được ít ánh sáng của ACA khi nó nằm sau bóng của Polyphemus. Trong bóng đêm mọi thứ sẽ vô hình. Cây cối tại đây phát triển khả năng phát quang, có lẽ là để dụ các sinh vật khác thụ phấn cho chúng.
Ánh sáng mà cây cối ở Pandora phát ra nghiêng về quang phổ những màu “lạnh” như: xanh lá, xanh biển, chàm, tím… Ánh sáng này đóng vai trò quan trọng trong sự giao tiếp của các cá thể với môi trường xung quanh. Loài Warbonnet fern (Bellicum pennatum; tên Na’vi: eyaye, một loại dương xỉ) đã phát triển mối quan hệ thân cận với một loài chim có ngoại hình và ánh sáng xanh tương tự. Loài chim này sẽ tới ăn lũ côn trùng bị ánh sáng dụ vào phần giữa lá, bằng cách đó bảo vệ cái cây.
Ngoài ra ở Pandora còn có sự phát quang nhờ sự hợp tác giữa thực vật và tảo. Điển hình là ở 2 loài Dương xỉ cùng chi Orbis mà ta có thể bắt gặp ở khắp nơi là Fiddlehead và Fibonacci (tên Na’vi: anìheyu, nghĩa là “xoáy ốc xanh”). Fiddlehead bắt tay với tảo đỏ (phát ra ánh sáng đỏ đậm) còn Fibonacci thì hợp tác với tảo xanh (ánh sáng xanh biển-xanh lá). Tảo giúp chúng bắt giữ Nitơ trong không khí biến thành chất đạm phục vụ cho cây, nhờ đó mà đám Dương xỉ có khả năng phát triển tới kích cỡ rất lớn kể cả ở nơi đất nghèo dinh dưỡng.
Hiện tượng “thủy triều đỏ” ở Trái đất được tạo nên từ loại tảo đỏ. Photo: メルビル – CC BY-SA 4.0.
Bờ biển Vilingili phát ra ánh sáng xanh nhờ tảo xanh. Photo: Ali Nishan – CC BY-NC 2.0.
Hình thức hợp tác sơ khai này gợi ý cho ta về loại thực vật phát quang đầu tiên xuất hiện trên Pandora. Có thể vào một ngày nào đó trong chuỗi đêm trường bất tận, một loài thực vật tiền sử ở Pandora đã quyết định, thay vì tiêu hóa, nó đã giữ luôn sinh vật phát sáng trong mình. Sinh vật phát sáng nhận thức ăn và sự bảo vệ từ vật chủ, trở thành một cỗ máy phát sáng cho vật chủ. Bioluminescence là một phản ứng enzym hiệu quả vì nó biến gần như toàn bộ năng lượng nhận được thành ánh sáng giúp cho cây sống sót trong điều kiện tăm tối. Đặc tính này được di truyền cho các thế hệ sau.
3. Mạng lưới thần kinh
Chính nhờ sự phát quang, lần đầu tiên ta nhìn ra được rằng ở Pandora mọi sinh vật, từ động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt, thực vật, nấm, tảo, trên cạn, dưới nước… đều liên kết với nhau bởi một hệ thần kinh chung. Ở trên Trái Đất, nếu như cây cối mà có hệ thần kinh thì nó đã được coi là động vật mất rồi. Mọi thứ trở nên cực kì dị kể từ điểm này.
“Thực vật” của Pandora mang những tính chất của cả thực vật lẫn động vật. Hầu hết chúng đều có hệ thần kinh sơ cấp được tìm thấy ở các động vật nguyên thủy như Sứa và Giun dẹt trên Trái Đất. Đồng nghĩa với việc, chúng có khả năng nhận biết môi trường xung quanh bằng các thụ cảm thần kinh, xử lý các thông tin tới từ thụ cảm, và điều khiển cơ thể để hành động dựa trên các thông tin đó. Cái tên chuẩn xác hơn cho các dạng sống “thực vật” ở Pandora là “zooplantae“, đồng nghĩa với “planimals“. Đây là lí do mà mình đã nói ngay ở đầu bài rằng cách gọi “thực vật” là không chính xác.
Một vài loại zooplantae tiêu biểu và các hành vi “động vật” của chúng:
Helicoradian (Helicoradium spirale – tên Na’vi: loreyu) có khả năng gập mình khi có tiếp xúc, đây là cách chúng tránh bị xơi bởi động vật ăn cỏ, đồng thời bắt giữ luôn những côn trùng và động vật nhỏ làm thức ăn. Helicoradian rất giống với loài Christmas Tree Worms (Spirobranchus giganteus) của Trái Đất, vốn cũng cụp lại khi có kích thích.
Cat Ear (Felinafolia ferruginea – tên Na’vi: pamtseowll) những chiếc lá hình tai mèo có khả năng nhận diện và dõi theo hướng của chuyển động, giống như con mèo vểnh tai lên khi nghe thấy tiếng động lạ. Điều này khiến cho con người có cảm giác bị Cat Ear theo dõi khi đi ngang qua chúng.
Panopyra (Panopyra aerii – tên Na’vi: tawtsngal) gần giống với Air Plant (Tillandsia sp. – cây Không khí) của Trái Đất ở chỗ chúng thường mọc gá trên tán các loài cây khác, thu lấy nước và dinh dưỡng từ không khí mà không cần một bộ rễ thực sự. Điểm khác ở chỗ, Panopyra là những tay săn mồi thứ thiệt. Thay vì mọc hướng theo/ngược chiều của trọng lực, những “xúc tu” của chúng cảm nhận và mọc theo hướng con mồi. Nhiều loài côn trùng và động vật nhỏ bị thu hút bởi ánh sáng và bể nước dồi dào giữa thân cây, kết quả là Panopyra thừa thãi thức ăn tới mức chẳng cần dùng tới khả năng quang hợp vốn có của “thực vật” nữa.
Hãy tưởng tượng mạng lưới thần kinh của Pandora giống như hệ thần kinh ở người. Bạn sẽ thấy Tree of Souls là bộ não, Tree of Voices là hạch hạnh nhân (amygdala – trung khu kí ức), Nerve Plant là các hạch thần kinh hoặc tủy sống, và những dây thần kinh thì chạy trong mọi cá thể của Pandora. Mọi tác động từ môi trường sẽ được cả hệ thống tiếp nhận. Phá hủy một khu vực nhỏ nhưng quan trọng trong hệ thống cũng có thể ảnh hưởng tới quang cảnh của cả hành tinh.
Ý tưởng về hệ thần kinh kết nối vạn vật ở Pandora được làm cho trở nên rất kịch tính. Tuy nhiên trong thực tế, ngày càng có nhiều nghiên cứu về cách cây cối trong một khu rừng có khả năng giao tiếp với nhau và với môi trường, thậm chí có khả năng làm thay đổi khí hậu theo ý của chúng. Mối liên kết giữa tất cả các cây thông qua hệ nấm cộng sinh rễ (mycorrhizas) giúp chúng trao nhận thông tin, điều phối nguồn dinh dưỡng, phục hồi các phần rừng bị tổn thương một cách chủ động. Khái niệm hệ-thần-kinh, ý-thức, trí-thông-minh có lẽ cần được định nghĩa lại. Việc một cánh rừng cư xử như một cơ thể duy nhất, có khả năng lưu trữ thông tin, giải quyết vấn đề… không hề viễn tưởng chút nào, Avatar chỉ hiện thực nó ra cho ta thấy mà thôi.
4. Động lực của tiến hóa
Ta thấy ở Pandora đám Dương xỉ Fibonacci mọc theo hình xoắn ốc của dãy số Fibonacci nổi tiếng. Dãy số này và các biến thể của nó không dừng lại ở hình dạng xoắn ốc mà còn thể hiện ở số cánh hoa, số quả, cách mà cây sắp xếp hướng của lá, của cành cây, của bộ hạt… và hơn thế nữa. Ta có thể nghĩ rằng Fibonacci là minh chứng cho một “Đấng sáng tạo” nào đó đã lập trình nên thế giới này, nhưng ta cũng có thể hiểu rằng đó đơn giản là sự hiệu quả của thực vật. Làm sao để phân tán ánh sáng đều cho tất cả các lá, làm sao cây có thể gói ghém được nhiều hạt nhất trong một không gian giới hạn… Mình chọn nghĩ theo cách thứ hai khá “thực dụng”. Đặt loài người vào vị thế trung tâm từ đó kết luận rằng phải có một loại trí tuệ nào đó nằm ngoài tự nhiên để sáng tạo ra tự nhiên, đó là điều còn kì cục hơn đối với mình.
Ở Pandora ta cũng thấy sinh vật đáp ứng với môi trường bằng cách hợp tác với nhau. Như cách Warbonnet Fern với loài chim ăn sâu bọ, như các loài Dương xỉ với tảo phát sáng… Cách thức “dụ dỗ” nhờ ngoại hình cũng phổ biến ở các loài thực vật trên Trái Đất. Điển hình là những loài hoa lan phát triển cánh hoa môi biến hình trông giống hệt côn trùng cái để dụ côn trùng đực tới giao phối và “vô tình” thụ phấn cho hoa. Thật tội nghiệp cho những chú ong đực trong phi vụ dụ lừa ngoạn mục này.
Giả sử như Thuyết tiến hóa(**) là đúng, chúng ta có thể thấy rõ rằng dù ở Trái Đất hay Pandora, thực vật đều đã trải qua quá trình tiến hóa.
(**) Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại, không phải Thuyết tiến hóa của Darwin.
Thuyết tiến hóa do chọn lọc tự nhiên của Darwin đã khiến chúng ta có một hiểu lầm phổ biến, đó là: Sinh vật sẽ luôn cải tiến từ các loài đơn giản tới càng ngày càng phức tạp và tinh tế hơn. Trên thực tế, sự tiến hóa của sinh vật chỉ đơn giản là: cái gì hiệu quả hơn, cái đó tồn tại và đi tiếp. Đại bộ phận những sinh vật còn sống trong sinh quyển Trái Đất cho tới ngày nay vẫn là những sinh vật nhân sơ có cấu trúc không thể đơn giản hơn. Liệu có phải chúng không chịu tiến hóa hay không?
Thế giới ở Pandora quả thực rất tuyệt. Sự trù phú của những cánh rừng gợi ta liên tưởng tới hình ảnh vườn địa đàng (Garden of Eden) được mô tả trong Sáng Thế Ký. Nếu đạo diễn quyết định cho thế giới thực vật của Pandora có một màu sắc khác, tím chẳng hạn, có lẽ phim đã bớt đi vài phần thuyết phục với đại đa số người xem. Màu xanh của thực vật đã gắn sâu trong tâm thức của con người, là bản năng tìm về của con người. Vậy nên cái gì ở Pandora có thì ở Trái Đất cũng đã có, chỉ là hình tướng của nó sẽ khác đi đôi chút. Đây là hai thế giới song song có chung động lực tiến hóa.
Thực vật ở Trái Đất không phát ra ánh sáng đẹp ma mị như của Pandora, có lẽ bởi vì nó KHÔNG CẦN phải vậy.
Học được gì từ một thế giới tưởng tượng?
Bài blog này xuất phát từ một cái “Wow!” – “Thế giới này thật sự vượt quá sức tưởng tượng của mình”. Nhưng càng tìm hiểu thêm về cách mà thế giới thực vật ở Pandora được tạo ra dựa trên hệ-quy-chiếu-Pandora, mình càng thấy được hệ thực vật alien này không hề kì quái. Nếu nó không như vậy thì mới thật sự là kì quái. Đấy là lí do mà bao nhiêu công sức liên tưởng – tạo dựng của phim là điều cần thiết cho một trải nghiệm kết nối sâu sắc với người xem. Những cái cây CGI của Avatar đã nuôi dưỡng trở lại sự tò mò và thích thú đối với những cái cây thật sự trên Trái Đất.
Người sáng tạo ra thế giới của Pandora đã rất khéo léo biến những gì đã có sẵn trên Trái Đất trở nên thú vị ở Pandora bằng những cách thức như phóng đại, hoán đổi, làm mờ ranh giới giữa các giới sinh vật… hình dung ra một “siêu sinh vật” thông minh, kết nối tất cả các cá thể với nhau giống như một tổ ong hay một đàn kiến. Tất cả những điều sống động viễn tưởng ấy lại đến từ trí tưởng tượng của con người, nằm bên trong con người, con người thì nằm trong tự nhiên, con người là tự nhiên. Đối với mình đó là một ý niệm rất đẹp.
Tìm tòi và những suy nghĩ cá nhân ở đây là quá khiêm tốn để có thể khiến bạn nhìn về Trái Đất với con mắt khác. Tuy nhiên ở cuối hành trình này, mời bạn cùng mình nhắm mắt lại trong một phút. Hãy tưởng tượng những loài thực vật lạ thường nào có thể đang sống ở sa mạc, trên những đỉnh núi cao, dưới đáy đại dương, ở miền địa cực… Việc phát quang ở thực vật, biết đâu đó đã diễn ra trong những hang đá sâu thẳm bên dưới lòng đất. Hãy tưởng tượng những gì đã xuất hiện trước những đợt tuyệt chủng lớn. Hãy tưởng tượng Trái Đất vào một trăm triệu năm trước… Có phải là địa đàng đang ở ngay trước mắt, nhưng bằng một cách nào đó con người đã tự đẩy nó đi thật xa?
Photo: David Peters – Unsplash.
Tham khảo
- Bài phỏng vấn với Dr. Jodie S.Holt: https://scienceline.org/2010/03/an-interview-with-jodie-holt-the-botanist-behind-avatar/
- Wiki Fandom về hệ thực vật của Avatar: https://james-camerons-avatar.fandom.com/wiki/Category:Flora
- Pandorapedia: https://www.pandorapedia.com/flora
- Phim tài liệu – Giới thiệu về hành tinh Pandora: https://youtu.be/GBGDmin_38E
- Phim tài liệu – Quá trình sản xuất Avatar: https://youtu.be/_Y8Buy5b6DQ
- Phim tài liệu – Sự sống phát sáng: https://en.wikipedia.org/wiki/Life_That_Glows
- Vlog – Cách mà cái cây bẻ cong các quy luật vật lý: https://youtu.be/BickMFHAZR0
- Vlog – Cách mà 2 vi sinh vật thay đổi lịch sử: https://youtu.be/lhF5G2k45vY
- Vlog – Dãy Fibonacci: Mật mã của tự nhiên: https://youtu.be/wTlw7fNcO-0
- Vlog series – Vẽ bậy trong giờ toán: Xoắn ốc, Fibonacci, và cái Cây: https://youtu.be/ahXIMUkSXX0
- TED Talk – Cách cây cối nói chuyện: https://youtu.be/Un2yBgIAxYs
- Sự tiến hóa của hệ thần kinh ở động vật: http://www.actforlibraries.org/evolution-of-the-nervous-system-in-animals/
- Nghiên cứu – Ảnh hưởng của từ trường lên sự phát triển của thực vật: https://www.researchgate.net/publication/326835966
- Voight-Kampff Test: https://nautil.us/blog/the-science-behind-blade-runners-voight_kampff-test
- Wikipedia – Giả khoa học: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3_khoa_h%E1%BB%8Dc
- Wikipedia – Phép thử Turing: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_th%E1%BB%AD_Turing
- Wikipedia – Magnetotropism (Từ hướng): https://en.wikipedia.org/wiki/Magnetotropism
- Wikipedia – Phát quang sinh học: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1t_quang_sinh_h%E1%BB%8Dc
- Wikipedia – Tiến hóa: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFn_h%C3%B3a
- Wikipedia – Nấm rễ cộng sinh: https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BA%A5m_r%E1%BB%85_c%E1%BB%99ng_sinh
- Điều khoản sử dụng nội dung số Disney: https://disneytermsofuse.com/english/#License-Grant-and-Restrictions
Bài viết bởi NOTH Garden.
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.