Hoa đá (Sen đá) – Những vấn đề thường gặp và cách giải quyết
Cây Hoa đá (Sen đá) đang gặp vấn đề không biết lý do vì sao và không biết phải hỏi ai, đây sẽ là bài viết chi tiết nhất từ trước tới nay dành cho bạn.
Trong suốt quá trình tìm hiểu về Sen đá, chắc hẳn ai cũng giống như mình, gặp rất nhiều vấn đề mà chẳng biết hỏi ai, người thì bảo thế nọ người thì bảo thế kia, cho tới khi tự tìm hiểu ra rồi thì cây cũng đã “ra đi”. Tuy nhiên, những chậu cây phải chết của mình không vô nghĩa, chúng có ích thực sự trong quá trình nghiên cứu và bài viết này cũng chính là sự đúc kết lại từ những trải nghiệm thực tế ấy. Không lòng vòng nữa, dưới đây sẽ là những vấn đề thường gặp phải khi bạn chăm sóc loài thực vật mọng nước này và tất nhiên đi kèm với cách giải quyết.
1. Lá nhăn/ngót
Biểu hiện của việc cây thiếu nước hoặc mất nước. Nguyên nhân có thể do tưới ít nước quá, hoặc cây không được tưới nước lâu ngày. Với trường hợp này thì bạn không cần quá lo lắng vì chúng chịu hạn rất tốt, thiếu nước còn hơn là thừa nước. Vậy nên bạn có thể tưới khi điều kiện thích hợp, đó là khi trời nắng ráo, tránh tưới khi trời đang mưa ẩm kéo dài, có thể sử dụng phương pháp tưới ngấm trong trường hợp này để giúp cây hồi phục nhanh chóng hơn. Xem thêm tại bài viết Cách tưới nước cho Sen đá.
2. Lá phía dưới héo khô
Đây là điều hết sức bình thường, những lá này khô héo do bị che khuất ánh sáng bởi những lá phía trên, ngoài ra chúng cũng góp phần cân bằng dinh dưỡng để tạo điều kiện cho những lá non phần ngọn phát triển (do bộ rễ hoặc dinh dưỡng không đủ để nuôi quá nhiều lá). Có thể loại bỏ những lá này để tránh mầm bệnh, đặc biệt khi trồng trong nhà. Kiểm tra bộ rễ nếu đã quá nhiều so với kích thước chậu thì có thể thay chậu cho cây. Xem thêm bài viết Cách trồng một cây Sen đá vào chậu.
3. Lá phía dưới rụng
Cây thiếu dinh dưỡng (dinh dưỡng ở đây có thể từ ánh sáng và đất trồng), thường đi kèm với biểu hiện thân vươn dài hoặc lá ngửa ra. Dư nước cũng có thể khiến lá rụng, đi kèm với tình trạng lá vàng nhũn. Nếu lá còn khỏe bạn cũng có thể tận dụng để nhân giống, nhiều trường hợp lá rụng xuống cũng tự ra rễ và lên cây con. Xem bài viết Hướng dẫn chi tiết cách nhân giống Sen đá.
4. Lá ngửa ra, cánh lá nở to (mặc váy), thân vươn dài
Cây đang trong tình trạng thiếu sáng, do để cây nơi thiếu sáng lâu ngày hoặc do thời tiết âm u không có ánh nắng trong thời gian dài. Có thể cắt bớt thân để cây chia nhánh và nhân giống, hoặc bạn cũng có thể đặt cây ở nơi có nhiều ánh nắng hơn. Trong điều kiện nhiều nắng, cây cũng có thể được cải thiện vóc dáng với những lá non mới mọc lên mà không bị thiếu sáng.
5. Lá vàng, mềm, nhũn nước
Cây bị dư nước, nguyên nhân phổ biến là do đất trồng không tốt nên thoát nước kém. Khi cây không sử dụng hết được lượng nước có trong đất, đất lâu khô và bí dẫn đến việc rễ cây bị ngạt, hoặc khi rễ hút quá nhiều nước lên làm cho một vài lá cây bị nhũn. Ngoài ra cũng có thể do nước cây bị nước đọng lại ở khe lá quá lâu không khô kịp, số ít do vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở (nếu có). Trường hợp nhẹ có thể loại bỏ lá bị thối, phơi khô và rũ bớt đất cũ, loại bỏ rễ thối và chờ 2-3 ngày rồi trồng lại. Nếu bị nặng cây có thể bị nhũn cả thân, lúc này không thể cứu được.
6. Toàn bộ cây bị thối nhũn hoặc lá rụng toàn bộ
Do nấm, vi khuẩn lợi dụng phần rễ bị hư tổn của cây để xâm nhập. Hoặc có một trường hợp nữa do cây bị sốc nhiệt. Thường gặp khi cây được chuyển từ Đà Lạt ra bằng xe lạnh hoặc khi cây bị thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ điều hòa ra nắng. Nếu bị nặng thì cây không thể cứu được, nếu vẫn còn vài lá khỏe thì có thể chăm sóc lại hoặc giữ lại lá để nhân giống.
7. Cháy lá
Do nhiệt độ quá cao kết hợp với nắng quá gắt chiếu trực tiếp vào phần lá cây. Cần có biện pháp tránh nắng nóng cho cây, có thể đặt ra chỗ ít nắng hơn, hoặc sử dụng lưới lọc sáng.
8. Bề mặt lá có cảm giác như bị bụi bẩn
Thật ra đây là lớp phấn giúp bảo vệ cây khỏi những tia sáng có hại, chống nước đọng trên lá, hạn chế việc đi lại và đẻ trứng của các loài côn trùng, ngoài ra lớp phấn còn tạo nên màu sắc rực rỡ cho cây. Có thể trong quá trình vận chuyển hoặc chăm sóc, lá cây bị tác động bên ngoài làm mất đi một chút phấn nhưng bạn cũng không nên lau hết lớp phấn đó đi.
9. Rệp sáp
Rệp là do kiến đem tới, chúng nuôi rệp để lấy mật nên nếu có kiến thì rất dễ có rệp. Rệp có thể xuất hiện ở lá non, phần gốc hoặc rễ. Loại bỏ rệp bằng cồn 70 độ, kết hợp tưới trị bằng dầu Neem hoặc nước rửa chén pha loãng, xịt định kì tuần 1-2 lần. Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc trị rệp bán ngoài thị trường, tuy nhiên các thành phần của thuốc bảo vệ thực vật thường khá độc cho con người do đó bạn nên sử dụng đúng cách trên bao bì và sử dụng bảo hộ.
Đa phần các loài Hoa đá (Sen đá) thuộc các chi phổ biến như Echeveria, Sempervivum, Sedum, Sinocrassula… thì đều gặp những vấn đề tương tự nhau, ngoài ra có nhiều chi trong họ Crassulaceae (họ Lá bỏng) cũng có nhiều trường hợp tương tự. Nếu cây của bạn gặp phải vấn đề không giống bất kì tình trạng nào trong bài viết này, bạn có thể tìm tại trang FAQ, xem các bài viết liên quan hoặc liên hệ trực tiếp với vườn NOTH để được hỗ trợ.
___
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.