fbpx
cách chăm sóc sen đá

Cách chăm sóc Hoa đá (Sen đá)

Chăm sóc Sen đá (Hoa đá) không hề đơn giản như bạn nghĩ hay đọc ở nhiều nơi. Đây là bài hướng dẫn chi tiết nhất giúp bạn hiểu hơn về loài cây này.

Lưu ý trước khi chăm sóc

Lưu ý rằng, đây sẽ không phải là bài viết chung chung mà bạn thường thấy, những thông tin dưới đây được tổng hợp từ việc tự tìm tòi nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, vì vậy bạn hãy dành thời gian để đọc và nghiền ngẫm nhé.

Trước khi nói đến cách chăm sóc của bất kì loài cây nào, chúng ta cũng cần hiểu qua rằng “Vì sao cây cối lại cần chăm sóc?”, trong khi trong tự nhiên chúng đều phát triển một cách hoang dại mà chẳng cần đến ai chăm bẵm cả. Vì đơn giản, mỗi loại cây trong tự nhiên đều sinh ra ở nơi phù hợp với chúng, hoặc chúng thích nghi để phù hợp với vùng đất đó. Trong tự nhiên thì cây tự biết cách sinh tồn, được thiên nhiên nuôi nấng và mỗi loài đều mang theo một nhiệm vụ (sứ mệnh) nào đó phù hợp với hệ sinh thái từng vùng, ví dụ như một số loài trong chi Echeveria đóng vai trò rất quan trọng với môi trường, là cây vật chủ cho bướm, xem thêm bài viết Nguồn gốc và đặc tính của Hoa đá (Echeveria). Tuy nhiên, khi con người biết đến và đem chúng từ nơi mà chúng sinh ra về nhà, thậm chí còn đem tới nhiều vùng đất khác nhau, cụ thể như nhiều loài Sen đá được du nhập vào Việt Nam. Đó là lý do mà chúng ta cần “chăm sóc”, việc chăm sóc thực chất là cung cấp cho cây những yếu tố mà chúng cần như ánh sáng, nhiệt độ, đất trồng, độ ẩm, nước… Những loại cây mà ta càng khó cung cấp điều kiện mà chúng cần, tức là loại cây ấy càng khó chăm sóc, chẳng hạn như 1 cây ưa sống trên núi cao với khí hậu mát mẻ và nhiều nắng thì sẽ khó có thể chăm sóc nó khỏe đẹp được khi ở Hà Nội (đặc biệt vào mùa hè).

Hiện nay, các loài Sen đá thường được trồng làm cảnh, trồng ở vườn hoặc trong nhà, tuy nhiên khi trồng chúng ở những điều kiện khác nhau (trong phạm vi mà chúng chịu được) thì hình dáng của chúng cũng sẽ thay đổi để thích nghi với từng điều kiện đó. Ở Việt Nam, có rất nhiều chi thực vật khác nhau được gọi là Hoa đá, bạn có thể xem bài viết Sen đá hay Hoa đá thực chất là cây gì? để tìm hiểu rõ hơn. Trong bài này mình sẽ chỉ nói tới cách chăm sóc cho chi Echeveria, khi đã biết về chi này, bạn cũng có thể chăm được các chi khác có đặc tính tương tự như Sempervivum, Sedum, Sinocrassula

Quảng cáo

1. Ánh sáng

Cây nào cũng đều cần ánh sáng để phát triển, đặc biệt là những loại cây mọng nước như Sen đá. Chúng ưa thích ánh nắng trực tiếp cả ngày (6-8h), có thể tránh ánh nắng quá gắt gỏng (mặc dù trong tự nhiên chúng chịu được, nhưng không nên so sánh sức sống hoang dại của cây ngoài tự nhiên với cây được nhân giống công nghiệp trong vườn ươm để phục vụ thị trường). Vì thế nếu đặt chúng ở nơi ít nắng như đặt trong nhà, thân của chúng sẽ vươn dài để tìm ánh sáng, lá ngả ra và màu chuyển dần sang xanh hoặc nhạt màu, sự thay đổi hình dáng ít hay nhiều dựa vào lượng ánh sáng mà cây nhận được ít hay nhiều.

sen đá ngoài tự nhiên
Echeveria ngoài tự nhiên thường mọc ở những vác đá, nơi có khí hậu khô cằn và hứng trọn nhiều nắng, vì ở đó thường không có những cây to che bớt nắng cho chúng (Photo: ali graneyCC BY-SA 2.0).
Quảng cáo

2. Nhiệt độ

Sen đá không thích nóng quá mà cũng không thể phát triển khi thời tiết quá lạnh. Ở các nước phương Tây thì họ quan tâm tới việc giúp cho Sen đá qua khỏi mùa đông lạnh giá, nhiệt độ thấp nhất mà cây chịu được là 20°F (-6.7°C), vì vậy họ phải đem cây vào trong nhà để chống chọi qua mùa đông. Còn ở Hà Nội thì chúng ta cần quan tâm tới việc giúp cho cây qua khỏi mùa hè, mình cũng không rõ cây có thể chịu được nhiệt độ lớn nhất là bao nhiêu, theo kinh nghiệm cá nhân thì cây có thể sống khỏe và đẹp nhất khi nhiệt độ dưới 35°C.

Quảng cáo

3. Nưới tưới/độ ẩm

Sen đá là thực vật mọng nước, chúng chứa nước trong thân để chịu hạn trong thời gian dài ở những vùng có khí hậu khô, vì thế “sở trường” của chúng là chịu hạn và tất nhiên đó cũng là “sở đoản” vì chúng sợ tưới nhiều. Đối với từng điều kiện khí hậu khác nhau sẽ có cách tưới cho Sen đá khác nhau. Cách tốt nhất để tưới cho hầu hết các loại cây là tưới khi cây đang khát, và cần biết lúc nào thì chúng khát. Cây sẽ cần nhiều nước khi chúng hấp thụ càng nhiều ánh sáng hoặc thời tiết càng nóng, ánh sáng giúp cây quang hợp nhưng kết hợp với nhiệt độ cao cũng sẽ khiến cho cây bị mất nước. Ngược lại, khi cây hấp thụ càng ít ánh sáng hay nhiệt độ không khí càng thấp thì chúng càng sử dụng ít nước, và tất nhiên khi tưới vào những lúc này có thể khiến cây bị thối rễ vì chúng không dùng đến nước. Đối với đa phần các loại Sen đá, bạn có thể dễ dàng nhận biết khi nào cây đang đủ nước, đó có thể là khi bạn mới mua về, là khi thân và lá cây căng mọng cứng cáp. Còn khi thiếu nước, lá có thể sẽ nhăn hoặc ngót lại, lúc này bạn tưới cho cây thì nó sẽ rất “sướng”.

Có vài lưu ý trong việc tưới nước cho Sen đá:

Nên tưới khi: cây đang khát và cần nước (thường là khi lá nhăn hoặt ngót) / trời khô hoặc nắng nóng / tưới vào buổi sáng.

Không nên tưới khi: đang ngứa tay / cây đang bình thường / trời mưa và độ ẩm cao / khi trời lạnh / tưới vào giữa trưa hoặc buổi tối. Không nên tưới theo lịch (ví dụ như 1 tuần tưới 1 lần) vì nhỡ đâu lúc bạn tưới sẽ dính vào thời điểm trời mưa ẩm kéo dài hoặc thời tiết lạnh, lúc đó cây sẽ không cần nước mà vẫn phải uống nước thì khả năng cây bị “sặc nước” (thối nhũn) là rất cao. Hãy đảm bảo toàn bộ đất đã khô hoàn toàn thì hẵng nghĩ tới việc tưới, đất trên bề mặt khô chưa chắc phần dưới đã khô.

Cách tưới: Có thể dùng bất kì dụng cụ nào rót được nước để tưới, tốt nhất bạn có thể sử dụng loại bình tưới có vòi nhỏ sẽ dễ dàng hơn. Rót nước xung quanh đất, sát gốc cây, tránh để nước đọng lại trên lá vì có thể khiến lá bị thối. Tưới đều sao cho nước ngấm xuống 2/3 chậu, hoặc có thể tưới đến khi nước thoát xuống lỗ đáy chậu, lượng nước có thể tăng giảm tùy vào điều kiện như ánh sáng, độ ẩm, sự lưu thông khí, nhiệt độ… Nếu để trong nhà nên giảm lượng nước đáng kể, nếu để cây ngoài trời có thể tưới nhiều nước hơn. Ngoài ra còn một cách nữa là tưới ngấm, tức là ngâm 1/2 – 2/3 chậu cây xuống nước và chờ vài phút, sau đó đặt chỗ thoáng mát để ráo nước, tuy nhiên cách này chỉ nên áp dụng khi thời tiết nắng và khô ráo, hoặc khi cây đang bị tình trạng thiếu nước lâu ngày, không nên tưới kiểu này khi đặt cây trong nhà, khi trời mưa nồm ẩm hoặc lạnh.

Loại nước tưới: Sử dụng các loại nước tưới có độ pH trung bình 5,5-7, có thể tưới bằng nước mưa (cây để trong nhà thì không nên), nước từ điều hòa, nước máy (nên để ra ngoài vài tiếng để hả bớt Clo trong nước) hoặc an toàn nhất là nước lọc bằng máy lọc RO.

Xem thêm bài viết: Cách tưới nước cho Sen đá.

4. Đất/giá thể trồng

Đất trồng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chăm sóc Sen đá, nếu đất trồng tốt, việc chăm sóc cụ thể là việc tưới sẽ trở nên rất nhàn hạ. Có thể bạn chưa biết, tại Việt Nam, hơn 90% trường hợp Sen đá chết do đất trồng. Như ở trên mình đã chia sẻ, việc tưới tắm cho Sen đá sẽ khá phức tạp nếu bạn chưa có kinh nghiệm, chỉ cần lỡ tay một nhịp thôi có thể sẽ khiến cây bị thối không thể cứu được. Vì vậy nếu bạn trồng cây vào giá thể tốt, tức là thoáng khí và khả năng thoát nước tuyệt vời, thì lúc này sẽ không còn lo lắng nhiều về việc tưới cây nữa vì nếu có lỡ tay cũng chẳng sao, khi mà đất đã thoáng khí thì bộ rễ sẽ không bị ngạt, nước trong đất thoát và khô rất nhanh vì thế giảm thiểu nguy cơ thối rễ đi rất nhiều. Mình cũng đã chia sẻ với bạn cách để trộn hỗn hợp đất trồng cho Sen đá, bạn có thể xem ở bài viết: Cách trộn hỗn hợp đất trồng Sen đá, Xương rồng và các loại cây mọng nước.

đất trồng sen đá
Đất càng tơi xốp và có độ thông thoáng tốt thì rễ cây càng phát triển khỏe mạnh và giảm thiểu thối rễ. (Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0).

5. Dinh dưỡng

Sen đá không yêu cầu nhiều về dinh dưỡng tuy nhiên để cây khỏe đẹp và phát triển tốt bạn có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân tan chậm, phân bón dạng nước (pha loãng hơn 2-3 lần so với tỉ lệ trên bao bì), bón vào mùa xuân. Lưu ý rằng Sen đá thường dễ bị thừa chất hơn là thiếu chất, vì thế thay vì bón phân bạn cũng có thể thay chậu cho cây khi bộ rễ đã mọc kín chậu.

Lưu ý khi thay chậu: Có thể thay chậu cho Sen đá nếu cần, vào mùa xuân hoặc đầu hè. Đảm bảo rằng đất đã khô hoàn toàn sau đó nhẹ nhàng nhấc toàn bộ rễ cây ra khỏi chậu cũ, tránh việc làm đứt rễ cây. Có thể kiểm tra tình trạng của rễ, nếu có rễ non phát triển thì tốt, cắt tỉa và loại bỏ bớt rễ thối, rũ bớt đất trồng cũ và trồng vào đất mới. Đặt cây nơi mát mẻ để làm quen với môi trường mới và không tưới nước trong ít nhất 1 tuần đầu để tránh thối rễ. Bạn cũng có thể chờ 1-2 ngày sau khi cắt tỉa bớt rễ để vết cắt lành rồi mới trồng vào đất mới.

6. Nhân giống

Nhân giống Sen đá cũng không quá khó, tuy nhiên tỷ lệ ra cây con không phải là 100%. Sen đá có thể được nhân giống bằng lá, cắt thân, tách cây con hoặc bằng hạt (nếu không phải giống cây được lai tạo). Bạn có thể xem chi tiết hơn về cách nhân giống Sen đá tại bài viết này: Hướng dẫn chi tiết cách nhân giống Sen đá.

nhân giống hoa đá echeveria
Photo: Carina Volke-Grunewald from Pexels.

Ngoài ra, nếu gặp bất kì vấn đề nào về các loại Sen đá, bạn có thể xem bài viết Những vấn đề thường gặp hoặc hỏi trực tiếp NOTH Garden tại trang FAQ.

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.


     
    Quảng cáo
    2 Shares
    Share via
    Copy link
    Powered by Social Snap