fbpx
noth garden

Cách trộn hỗn hợp đất cho cây lá trong nhà

Bí kíp trộn đất trồng các loại cây lá trong nhà (foliage houseplant) và cách “chế” công thức trộn đất từ nông dân vườn NOTH.

Đất trồng cây nhà cần những tố chất gì?

Cây lá trong nhà (Foliage Houseplant) thường có một đặc điểm chung là các loại cây sinh ra từ tán thấp trong rừng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới ẩm, không tiếp nhận ánh nắng trực tiếp mà ưa ánh sáng tán xạ đã được lọc qua các tầng tán lá phía trên. Do tính chất khá tương đồng về cường độ sáng và độ ẩm mà chúng có thể dễ dàng thích nghi với điều kiện được mô phỏng trong nhà với một chút điều chỉnh. Vì thế theo quan điểm của vườn NOTH, cây nhà(*) sẽ cần một loại giá thể đạt được những tiêu chí sau:

  1. Cấu trúc tơi xốp, tạo khoảng trống cho dưỡng khí lưu thông.
    Rễ ngoài việc hút nước còn cần được thở y như chúng ta vậy. Và thực ra nếu rễ thở được thì nó mới có thể hút được nước. Những khoảng trống trong đất giống như những căn phòng nhỏ chứa đựng khí O2. Đối với hầu hết các loại đất thông thường khi bỏ vào trong chậu, những hạt vật chất bên trong sẽ phân hủy càng ngày càng nhỏ hơn, khiến những căn phòng cứ dần dần bị xẹp lại theo thời gian. Trộn những thành phần khó phân hủy hoặc thời gian phân hủy lâu hơn vào trong đất sẽ giúp những căn phòng có được kết cấu bền vững. Khi trồng cây trong nhà thì đây chính là ưu tiên hàng đầu: đừng làm cho rễ bị ngạt thở.
  2. Có đồng thời hai khả năng: giữ nước và thoát nước.
    Mỗi lần tưới cây xong nước sẽ đi đâu? Đa phần các bạn mới chăm cây sẽ nghĩ rằng cây của mình hút hết nước nhưng thật ra không phải. Cây chỉ hút nước mạnh nhất khi trời nắng nóng và nó sẽ phải cật lực bơm thật nhiều nước lên tất cả các bộ phận thân-lá để làm mát. Còn khi ở trong nhà với lượng ánh sáng và độ thoáng khí ít ỏi thì cây chỉ cần một ít nước dùng cho hoạt động quang hợp, phần lớn chỗ nước còn lại được giữ ở trong đất, bốc hơi lên bề mặt, hoặc thoát ra lỗ ở đáy chậu. Giá thể tốt giống như miếng bọt biển có thể ngấm và nhả nước ra từ từ, không bị khô quá nhanh, cũng không bị ngập ngụa trong nước. Rễ cây được bao bọc bởi giá thể tốt có thể lấy nước bất cứ khi nào chúng muốn.
  3. Dễ dàng kiểm soát dinh dưỡng và hoạt động của hệ vi sinh vật.
    Hơn 90% các vấn đề mà cây nhà gặp phải thật ra không tới từ việc thiếu dinh dưỡng. Nhiều khi sự chăm bón quá mức còn gây hại cho cây hơn cả việc thiếu dinh dưỡng. Giá thể tốt giúp ta có thể dễ dàng cung cấp dinh dưỡng khi cây thật sự cần tới dinh dưỡng. Giá thể tốt cũng có những thành phần để tạo nên một hệ vi sinh cân bằng, hạn chế các loại vi khuẩn, nấm mốc có hại. Những vi sinh vật có lợi chính là đồng minh của rễ, giúp cây có được sức đề kháng tự nhiên.
  4. Các thành phần trong giá thể được xử lý “sạch”. An toàn cho con người và vật nuôi.
    Thực ra không có độ “sạch” tuyệt đối. Điều mình muốn nhấn mạnh là các giá thể được xử lý kĩ càng, lọc bỏ sạch tạp chất, rõ ràng về nguồn gốc, được làm từ những thành phần hữu cơ và tự nhiên. Vì suy cho cùng, chính bạn sẽ tiếp xúc với từng loại giá thể khi trộn đất và trong suốt quá trình chăm sóc cây.

Nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy 3/4 tiêu chí trên đều có dính dáng tới việc hỗ trợ cho bộ rễ. Trái với suy nghĩ của đa số về việc cây sẽ hút dinh dưỡng và mọi thứ nó cần từ đất, thật ra cây là sinh vật ăn không khí. Bạn chỉ cần đặt cây ngoài ánh sáng và nó sẽ tự làm công việc của mình (Sách giáo khoa Sinh học lớp 6 sẽ trả lời cho bạn cơ chế này). Hãy nhìn vào những loại cây mọc dại khắp nơi như Dương xỉ, cây Lá bỏng, cây Bồ đề… mà xem, chúng chỉ cần mảng vữa tường để sống. Vai trò của giá thể đất đối với cây nhà thực chất là làm “giá đỡ” cho cây. Nếu tiếp cận theo cách ấy là bạn đã đảm bảo được 50% thành công trong việc thiết kế hỗn hợp giá thể cho cây nhà rồi. Bạn có thể đọc qua bài blog của NOTH: Vì sao phải thay đất cho cây nhà? để hiểu thêm về cách tiếp cận này nhé.

(*)“Cây nhà” (house-plant): Các loại cây được trồng vào trong chậu và đặt bên trong phạm vi tòa nhà (nơi sinh sống hoặc nơi giải trí, học tập, văn phòng làm việc…), không hoặc ít tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết (mưa, nắng, gió)… như cây trồng ở ngoài trời. Cụm từ này sẽ được nhắc tới nhiều lần trong loạt bài của NOTH.

Quảng cáo

Những nguyên liệu/giá thể phổ biến trong trộn đất

các loại giá thể thông dụng
Các loại giá thể thông dụng. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Mùn dừa (mụn dừa, vụn dừa, xơ dừa): Được xay và xử lý từ vỏ dừa. Trong mùn dừa thường có hai dạng tồn tại là dạng mụn và dạng sợi. Dạng sợi lâu phân hủy, tạo độ tơi xốp, dạng mụn giữ nước tốt, phân hủy sau 1 thời gian. Mùn dừa được xử lý kĩ sẽ có độ pH từ axit nhẹ tới trung tính 6-7. Mùn dừa rẻ nhưng nghèo dinh dưỡng.

Peat moss (than bùn rêu): Dạng sợi, thớ hình thành chủ yếu qua sự phân hủy của rêu Sphagnum và các vật chất hữu cơ khác trong các hố than bùn. Peatmoss cũng giữ nước và dinh dưỡng tốt, kết cấu mịn và êm, độ pH 3.6-6. Peatmoss được hình thành hoàn toàn tự nhiên và phải trải qua vài thiên niên kỷ nên giá thành khá cao.

Trấu hun: Là vỏ trấu đã được hun lên thành than trấu trong điều kiện yếm khí. Trấu hun kĩ từ 80-90% sẽ có màu gần như đen hoàn toàn. Nên tránh trấu còn tươi vì đó là nguồn thức ăn béo bở cho vi sinh vật và nấm mốc. Trấu hun kĩ tạo độ tơi xốp, tính kiềm nhẹ pH 8-10 giúp làm giảm độ chua trong hỗn hợp đất. Giống với mùn dừa, trấu hun là sản phẩm phụ nông nghiệp nên giá thành rất rẻ.

Perlite (đá trân châu)pumice (đá bọt): đều là khoáng vật được làm nóng đến khi trương nở thể tích thành dạng hạt xốp, giống với cách nổ bỏng ngô. Điểm khác là perlite được nung bởi con người còn pumice được nung trong lòng núi lửa và là thứ bắn ra đầu tiên khi núi lửa phun trào. Do cấu trúc xốp, cả hai loại hạt đều giúp tạo các khoảng trống trong đất. Tuy nhiên nếu cùng ngâm trong nước, sau một khoảng thời gian pumice chìm, còn perlite vẫn nổi. Do đó pumice có khả năng giữ nước cao hơn perlite. Cả hai loại đều là nguyên liệu có tính trơ không giữ được dinh dưỡng, độ pH từ trung tính đến kiềm nhẹ.

Vermiculite: Vermiculite hay bị nhầm lẫn với Perlite, nhưng nếu đã tiếp xúc với cả hai loại thì bạn sẽ thấy chúng khác hẳn nhau. Perlite là hạt xốp, có thể bóp vụn còn Vermiculite thì giống như loại xốp bóp vào là đàn hồi trở lại. Mỗi hạt có thể nở ra để giữ lượng nước và chất dinh dưỡng gấp 3-4 lần thể tích của nó. Vermiculite “nhả” nước ra rất lâu do đó sẽ phù hợp với những loại cây có nhu cầu nước cao, khi nhân giống bằng cách cutting hoặc dùng để làm “giường ấm nệm êm” cho việc gieo hạt giống.

Vỏ thông: Vỏ thông có chứa resin là chất sát khuẩn cao nên chống được các loại nấm mốc. Vỏ thông lâu ngấm nước, nhưng đã ngấm thì ngậm nước khá lâu. Bề mặt gồ ghề của vỏ thông cũng kích thích rễ bám vào và len lỏi. Vỏ thông rất lâu mới phân hủy nên có thể giúp giá thể giữ được độ tơi xốp trong thời gian dài.

Phân hữu cơ: Như phân bò, phân gà, phân trùn quế, phân neem… Đây là các thành phần giúp bổ sung dinh dưỡng cho cây, tồn tại dưới dạng bột hoặc viên nén. Viên nén thì mất nhiều thời gian để giải phóng dinh dưỡng hơn là dạng bột. Trong đó phân neem có thêm tác dụng chống nấm mốc, côn trùng và vi sinh vật gây hại. Còn phân trùn quế thì chính là các loại phân khác như phân bò đã được trải qua quá trình tiêu hóa trong bụng con trùn quế nên dễ hấp thụ hơn đối với cây nhà. Ở NOTH chúng mình sử dụng cả phân trùn quế và phân neem để tận dụng được đặc tính tốt của cả hai.

Akadama: Đây chính là loại đất sét đỏ – được khai thác trong các lớp trầm tích núi lửa ở Nhật Bản. Loại đất này được xử lý nhiệt bằng cách nung lên sau đó phân loại theo kích thước hạt. Ở dạng viên thì akadama vừa giữ được nước, dinh dưỡng, lại tạo độ thông thoáng cho đất. Giống như mọi loại đất sét khác, theo thời gian akadama cũng phân rã dần khiến cho kết cấu đất chặt lại, kiềm chế sự phát triển của rễ cây. Đó là lí do mà akadama được sử dụng nhiều trong nghệ thuật bonsai, khi mà trò chơi là làm thế nào để giữ cho cái cây siêu già nhưng mãi bé xíu.

Than hoạt tính: Là carbon được hoạt hóa ở nhiệt độ cao làm tăng diện tích bề mặt do đó có khả năng làm sạch đất. Khoan đã… hãy hiểu đơn giản than hoạt tính là căn phòng siêu rộng, siêu nhiều ngăn nhỏ và rất rất sạch, do đó nó có thể tạo ra lực hút cực mạnh để lấp đầy các ngăn trống bằng các chất gây ô nhiễm, các vi sinh vật, nấm mốc có hại và giam giữ chúng trong đó. Một căn phòng trống thì có thể làm gì ngoài việc bày biện thật nhiều nhỉ?

Quảng cáo

Nào mình cùng trộn đất

Sau phần bóc tách lí thuyết khô khan, chúng ta sẽ tới công đoạn được mong chờ nhất: trộn tất cả lên. Bạn có thể tham khảo công thức trộn đất cho cây lá của NOTH hoặc xem phần cuối bài để tự điều chỉnh công thức cho riêng mình.

  1. Công thức trộn đất dành cho cây lá trong nhà tiêu chuẩn của vườn NOTH(**):
    Mùn dừa : trấu hun : perlite : vỏ thông : peatmoss : phân trùn : phân neem : than hoạt tính = 20:20:15:15:5:2:2:1
  2. Công thức rút gọn hơn:
    Mùn dừa : trấu hun: perlite: phân trùn = 5:5:2:1
  3. Công thức siêu rút gọn (và siêu rẻ):
    Mùn dừa : trấu hun : phân trùn = 5:3:1

(**)Công thức ở thời điểm viết bài, vườn NOTH update công thức theo tháng.

Để trộn thật đều thì bạn có thể trộn trước các thành phần có kết cấu tương tự nhau và dễ bị vón cục như mụn dừa, peatmoss, các loại phân. Sau khi có được hỗn hợp tơi nhuyễn mới tiếp tục cho trấu, perlite và các thành phần dạng tơi xốp vào. Lưu ý rằng một số thành phần trong giá thể có chứa rất nhiều bụi. Đặc biệt bụi từ đá perlite chính là bụi mịn thủy tinh (glass fiber). Hãy nhớ sử dụng bao tay và đeo nhiều lớp khẩu trang trong suốt quá trình xúc, trộn để bảo vệ phổi và xoang của bạn. Xịt ẩm hoặc xả bớt bụi trước khi trộn cũng là một ý hay.

Trộn đất nhìn qua thì có vẻ đơn giản, nhưng đó lại là công việc “nặng nhọc” nhất ở vườn NOTH. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kiên nhẫn và thể lực tuyệt vời. Và quan trọng là phải luôn ngẩng cao đầu! Vì chỉ cần không để ý, bạn sẽ bị mỏi lưng chỉ sau 20 xúc đất vì làm việc sai tư thế. Và đây là thành quả sau khi trộn đất theo công thức của NOTH:

Quảng cáo

Giá thể “Do It Yourself”

Lưu ý rằng tất cả các công thức nói trên chỉ mang tính ước lệ, và bạn cũng không cần phải đo lường quá chuẩn chỉnh theo công thức, kể cả công thức của NOTH. Đôi lúc bạn sẽ thấy giá thể đất của vườn còn đắt hơn cả tiền cây. Nhưng nếu bạn đã thử tự đi mua từng nguyên liệu và xử lý mọi công đoạn, thì đó lại là một cái giá rất hợp lý, đặc biệt khi nhu cầu của bạn chỉ là thay đất cho khoảng vài chục chậu cây nhỏ xinh trong nhà.

Còn nếu bạn muốn nghịch ngợm để tự trồng và nhân giống nhiều cây hơn, vườn NOTH cũng sẽ cung cấp cho bạn công cụ để có thể tự điều chỉnh được cấu trúc, khả năng giữ-thoát nước, thành phần dinh dưỡng và hoạt tính của hỗn hợp đất theo mục đích của riêng mình.

Mình sẽ tạm phân chia các loại giá thể thường dùng trộn đất theo nhóm để bạn dễ hình dung. Đối với cây nhà thì thường bạn chỉ cần quan tâm đến 3 nhóm đầu tiên, 2 nhóm sau sẽ biểu hiện được hiệu quả khi bạn trồng những loại cây khó tính hơn hay trồng cây với quy mô lớn.

  1. Nhóm giữ nước – dinh dưỡng (thường có tính axit nhẹ): mụn dừa, cocochips, peatmoss, vermiculite, akadama, các loại phân.
  2. Nhóm thoát nước – tạo cấu trúc (thường trung tính hoặc tính kiềm nhẹ): xơ dừa, trấu hun kĩ, vỏ thông, perlite, pumice, akadama, LECA, xỉ than, cát.
  3. Nhóm làm sạch: than hoạt tính, trấu hun kĩ, vỏ thông, peatmoss.
  4. Nhóm vi sinh: Trichoderma, các loại phân hữu cơ, các sản phẩm vi sinh khác.
  5. Nhóm điều chỉnh độ pH: tăng pH – khử chua gồm trấu hun, tro gỗ, đá vôi, dolomite… và giảm pH gồm các loại phân, thạch cao, bột lưu huỳnh…

Dù trộn đất cho cây lá hay cây gì đi chăng nữa, để tạo nên nền tảng của hỗn hợp giá thể, chúng ta nên kết hợp ít nhất 2 loại giá thể từ nhóm 1 và 2. Hai nhóm này có tính chất gần như trái ngược nhau vì thế có thể bổ sung cho nhau cả về mặt cấu trúc lẫn tính chất lí-hoá. Chẳng hạn mùn dừa hay kết hợp cùng trấu hun, peatmoss thì hay đi cùng perlite; một chất giữ nước, một chất xả; một bên chua, bên kia kiềm. Cố gắng tạo một thế “cân bằng âm – dương” tương đối.

Việc lựa chọn loại giá thể cần phụ thuộc vào cách thức sinh trưởng của câyđộ lớn của rễ, các loại hạt cũng không nên chênh lệch nhau quá về kích thước. Ví dụ như khi bạn trộn cocochip to và perlite với nhau thì perlite chẳng những không giúp đất thoáng hơn mà còn làm tăng giá thành một cách vô nghĩa. Thay vào đó bạn có thể trộn cocochip to với vỏ thông to hoặc pumice to để chúng thật sự cộng hưởng cho nhau. Hãy để ý rằng có những loại giá thể nằm trong nhiều nhóm (như trấu hun, akadama, peatmoss…). Đó là khi nó có thể kiêm nhiều vai trò trong hỗn hợp đất. Lợi dụng điều đó, bạn có thể tự tuỳ biến và chọn sang những nguyên liệu sẵn có ở địa phương để giảm giá thành.

Sau khi cấu trúc nền được hình thành ta sẽ tính toán thêm vào các loại phân để “kích hoạt” cả hệ thống. Bởi vì ngoài việc chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, trong phân đã sẵn có một hệ vi sinh vật rồi. Hệ vi sinh từ phân cũng chính là nền tảng cho cả một hệ sinh thái thu nhỏ bên dưới gốc cây sau này. Cây lá trong nhà thật ra không phức tạp bằng các loại cây ăn trái hay cây chơi hoa, vốn ngốn nhiều dinh dưỡng hơn và thường chỉ trồng ở ngoài trời. Vì lẽ đó mà lượng phân cho vào hỗn hợp cũng chỉ nên chiếm từ 5-15% tổng thể tích của hỗn hợp. Phân cũng làm cho đất chua hơn (tăng tính axit), mà đúng ra bất cứ nguyên liệu gì đang phân huỷ nhanh cũng sẽ làm hỗn hợp trở nên chua hơn.

Bạn có thể bỏ ra thêm vài phút để nghiên cứu cách mà cây sinh trưởng trong tự nhiên để có thêm ý tưởng cho hỗn hợp đất. Cấu trúc hạt nhỏ, mềm, giữ ẩm ổn định, sẽ phù hợp với việc kích thích hạt giống hoặc cây nhân giống bằng cách cuttings ra rễ nhanh. Ngược lại cấu trúc nhiều hạt xốp (gravely) và cát (sandy) sẽ phù hợp với những loại cây mọng nước hoặc bán mọng nước. Những loại cây bụi hoặc có xu hướng hoá gỗ sẽ thích giá thể chứa nhiều thành phần cát và vỏ thông. Những loại cây mọc trên triền núi đá vôi thì sẽ ưa đất có tính kiềm nhẹ… Tất cả những thông tin về cây như vậy bạn có thể tra cứu bằng tên khoa học của cây thông qua các cơ sở dữ liệu thực vật ở Việt Nam cũng như nước ngoài:

Trung tâm Dữ liệu Thực vật Việt Nam: http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=edir
Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ: https://plants.usda.gov/adv_search.html

Tổng kết

Nói tóm lại bạn có thể xét từ rất nhiều góc độ khác nhau để thiết kế hỗn hợp đất. Bản thân công thức đất trộn của vườn NOTH hiện nay có thể coi là đã thừa tiêu chuẩn so với việc chăm cây nhà, tuy vậy vườn vẫn không ngừng cập nhật và cải tiến mỗi khi có thể. Đừng quên rằng cây luôn có cách của riêng nó để thích nghi với điều kiện bạn cung cấp. Nhiều loại cây, ví dụ như cẩm tú cầu có thể thay đổi màu khi trồng ở các loại giá thể đất có độ pH khác nhau. Vì vậy đừng ngại thử nghiệm và liên hệ NOTH mỗi khi bạn cần hỗ trợ nhé.

Tham khảo:

  1. https://gardenerspath.com/how-to/organic/trichoderma/ 
  2. https://www.quora.com/How-do-I-apply-trichoderma-viride-to-my-nursery-plant-and-soil-What-are-some-DIY-technique-which-can-be-done-at-home/
  3. https://www.almanac.com/plant-ph/
  4. https://www.almanac.com/make-your-own-potting-soil#
  5. https://www.planetnatural.com/potting-mix-recipes/
  6. https://savvygardening.com/diy-potting-soil/
  7. https://www.quora.com/How-do-mycorrhizal-fungi-benefit-plants/

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.


Quảng cáo
7 Shares
error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Share via
Copy link
Powered by Social Snap