fbpx

Orchidelirium: Bạn có nguyện chết vì hoa Lan?

Orchidelirium (Thú cuồng săn & sưu tầm Lan) và điều nó nói lên về mối quan hệ của Lan đối với chúng ta và hệ sinh thái.

Ngồi lặng đi trước một hốc đá trong rừng, tôi nhận ra tâm trí mình đang tưởng tượng ra mọi cách để lấy được nó. Đầu tiên, đào chỗ đất mềm xốp xung quanh, thọc 10 ngón tay xuống thăm dò độ sâu của rễ để mò xem rễ có bị mắc vào đâu không. Không thể lấy quá nhiều đất. Nếu rễ dài quá tôi sẽ phải thương lượng với nó, hoặc trồng lại và tiếp tục đi tìm kiếm. Nếu không tìm được nữa tôi sẽ quay trở lại hốc đá ấy dù có cách xa vài cây số đường rừng. Tôi thấy mắt mình trố ra, quầng trán co bóp mạnh hơn, nín thở từng nhịp khi dõi theo mũi dao lách vào sâu trong hốc đá để cắt đi những miếng chướng ngại vật hay rễ của cây khác mắc vào nó. Tôi phấp phỏng khi nhét nó vào bên trong chai Lavie cùng với ít đất đá vôi, lá mục và dương xỉ để giữ ẩm, vặn hờ nắp, tiếp tục tưởng tượng cả quãng đường về, lúc tôi đưa nó vào bình terrarium an toàn, cách tôi nhân giống nó, và chăm sóc nó cho tới khi chùm hoa trông như một loài bọ trắng kì dị đâm lên từ giữa những cái lá đen pha đỏ nhung với đường gân dát vàng óng ánh…

Cận cảnh hoa Anoecochilus reinwardtii (Lan gấm).
Cận cảnh hoa Anoecochilus reinwardtii (Lan gấm). Photo: Ingrid Pape.
Anoecochilus reinwardtii
Anoecochilus reinwardtii (Lan gấm) mọc tự nhiên trong rừng. Photo: TISSUE CULTURE AND ORCHIDOLOGI.

Nó là Lan gấm hay Lan kim tuyến (Anoectochilus reinwardtii), một loại Địa Lan nằm trong nhóm 1 (nhóm nguy cấp) của Sách đỏ Việt Nam. Sự ham mê không thể hiểu nổi đối với nó đã khiến tôi phát triển một cảm nhận tương đối chính xác về điều kiện nơi và thời điểm mà cây sẽ mọc. Tôi gần như chắc chắn mình sẽ phát hiện ra tất cả những ngóc ngách trên hành trình, nếu cảm nhận là đúng và tôi thật sự tìm thấy cây ở đó, tôi sẽ cảm thấy mình thật đặc biệt. Ngược lại, khi không khéo léo làm cây bị hỏng một vài lá hoặc không thể hồi phục, tôi chỉ muốn thời gian quay trở lại để xóa đi đoạn kí ức đó, hoặc mong mình biến mất để không làm tổn thương nó – một kiểu suy nghĩ/hành vi mà đến bây giờ, khi nghiên cứu một cách hệ thống hơn về Lan – tôi đã chia sẻ cùng các Orchid hunters/Orchidologists – những kẻ cuồng Lan bắt nguồn từ thời Victoria.

Giới siêu giàu Victoria và những cuộc viễn chinh bạc tỉ

Orchidelirium /ɔɹkɪdlɪɹiəm/: Thú cuồng sưu tập và khai phá Lan của giới siêu giàu Victoria.

Khác với Pteridomania (Thú cuồng Dương xỉ), Orchidelirium từng là đặc quyền của chỉ những người giàu có. Nếu như Dương xỉ có thể mọc ở bất cứ nơi đâu ẩm, mát… thì Lan đòi hỏi điều kiện vi khí hậu (micro-climate) đặc thù để có thể tồn tại. Để có được các giống Lan hoàn toàn mới, giới siêu giàu thời Victoria (giữa những năm 1830 cho tới đầu những năm 1900) phải tổ chức các cuộc viễn chinh đến những nơi xa xôi như Úc, Nam Mỹ, phía nam Thái Bình Dương… Càng nơi thâm sơn cùng cốc, Lan càng độc đáo, giá trị càng cao, đôi khi lên tới vài ngàn đô cho một cây (tính chênh lệch theo tỉ giá là hàng trăm triệu VND ngày nay). “Tôi biết có rất nhiều hoạt động du kích ở đó, tôi biết rằng địa hình khủng khiếp và dịch bệnh hoành hành, nhưng đó là lý do tại sao đó là một nơi lí tưởng. Nếu bạn muốn tìm một loài Lan mới, bạn phải đến những nơi nguy hiểm vì không có ai khác đến đó.”Tom Hart Dyke – tay săn Lan huyền thoại nói. Trước đó Tom từng bị bắt giữ và dọa giết trong vòng 9 tháng trong một chuyến săn Lan ở biên giới Panama và Colombia.

Benedict-Roezl
Benedict Roezl – tay thợ săn Lan khét tiếng chỉ có 1 tay, tay còn lại là một chiếc móc sắt. Ông đi bộ khắp châu Mỹ để thu thập phong lan và các loài thực vật khác. Chỉ trong một chuyến đi từ Panama đến Venezuela, ông ấy đã gửi về London tám tấn hoa lan. Photo: The Daily Gardener.
Dracula roezlii
Dracula roezlii được đặt tên theo thợ săn Lan huyền thoại Benedict Roezl. Photo: Dracula-species.

Orchidelirium không đơn thuần một thú chơi thanh cảnh. Nó đắt đỏ, và “cắt cổ” người ta theo nghĩa đen. Những thợ săn Lan là những người ít thọ nhất do cuộc sống luôn kề cận với cái chết. Danh sách những người tử nạn một cách bi thảm vì Lan và những giai thoại về các chuyến săn Lan có kể cả ngày không hết: người chết đuối, người bị chặt đầu, kẻ mắc bệnh, chạm trán với thú dữ, dân bản địa và tộc ăn thịt người… Dù cô đơn đến đâu họ cũng không được làm bạn với đàn bà và đặc biệt là những tay thợ săn Lan khác bởi có thể bị chơi xấu bất cứ lúc nào. Nổi tiếng trong số đó là câu chuyện một đoàn thám hiểm gồm 8 người vào rừng rậm Philippines để tìm Lan vào năm 1901: một người bị hổ ăn thịt, người thứ hai bị ngâm trong dầu và chết cháy, năm người nữa mất tích. Người sống sót duy nhất trong nhiệm vụ nguy hiểm này đã trở về với một số lượng khổng lồ Phalaenopsis, còn được gọi là Lan hồ điệp, và trở nên vô cùng, vô cùng giàu có.

Những cuộc viễn chinh tốn kém là vậy, nhưng hầu hết số Lan săn được đều chết trước khi về tới được dinh thự của giới siêu giàu để nở hoa trước sự trầm trồ sang trọng của họ. Sự căng thẳng mà tôi chia sẻ cùng những thợ săn Lan trong lần đầu tiên bắt gặp Lan gấm, không phải là về tiền hay cái chết kề cận, mà là việc mạo hiểm cảm xúc của mình cho một thứ mình không thật sự hiểu, bao nhiêu cố gắng như vậy để có được một cái gì đó thật mong manh và có thể dễ dàng chết dưới tay mình? Tôi tự hỏi, liệu có thước đo nào nằm ngoài giá trị tiền bạc có thể đo lường được hấp lực kì lạ của một phân nhánh thực vật khiến cho bao người điên cuồng vì nó?

Quảng cáo

Tình dục, sự lừa dối và Darwin

Niềm đam mê đối với Lan không hẳn chỉ vì vẻ đẹp của nó. Với tất cả những sự tinh vi trong cấu trúc giải phẫu học, Lan mang trong mình bí ẩn của sự tiến hóa. Loài Lan đã tồn tại từ hàng triệu năm trước cả khi khủng long xuất hiện. Chúng có mặt ở mọi lục địa chỉ trừ Nam cực. Ngày nay đã có hơn 28.000 loài Lan được biết tới, tức là bằng số lượng của tất cả các loài chim, thú có vú và bò sát cộng lại! Lan (Orchideae) là họ cây có hoa lớn nhất trên địa cầu.

“Nhà sưu tập nào muốn có được tất cả các loài Lan trên thế giới này, anh ta sẽ chết trước khi điều đó thành hiện thực.”

Susan Orlean – Tác giả sách “The Orchid Thief”

Điều thú vị ở đây là, việc sinh sản của Lan hoàn toàn dựa vào các loài khác để thụ phấn. Do định luật sức hút chôn chân chúng vào đất và với sự cạnh tranh của rất nhiều loài cây đơn giản có khả năng tự-thụ-phấn khác, Lan đã phát triển hệ chiến thuật dụ dỗ côn trùng giúp chúng thụ phấn, tinh xảo tới mức chúng giống với một sinh vật có trí thông minh hơn là một bông hoa.

Phương thức dụ dỗ của một loài Lan gáo (Coryanthes) khá giống với cây Bắt mồi (Chi Nepenthes). Nhưng thay vì tiêu hóa con mồi, nó để lại cho con đực xấu số một “lối thoát” duy nhất để ra khỏi bể chất lỏng nhầy nhụa. Khi cố gắng trèo ra ngoài, bông Lan sẽ bí mật “dán” hai cục phấn đầy đặn lên lưng ong. Hai cục phấn này chỉ rơi ra khi con ong đực lại rơi vào bể chứa của một bông hoa khác, nhờ vậy mà thụ phấn cho hoa.

Hệ thống dụ lừa của Lan hoàn thiện tới mức mà số phận của Lan quan hệ chặt chẽ với loài côn trùng giúp nó thụ phấn. Cách thức kinh điển nhất là ngụy trang giống như một loài hoa hoàn toàn khác có sản xuất mật hoa, chỉ có điều ở Lan là mật giả. Hoặc chúng có thể phát ra mùi hương đặc biệt như mùi vanilla, chocolate, đôi khi là mùi giầy thối hoặc mùi thịt đang phân hủy (như loài Bulbophyllum grandiflorum) để hấp dẫn ruồi tới đẻ trứng. Mùi hương của mỗi loài Lan cũng có thể giống hệt với pheromone của một loài côn trùng duy nhất. (Pheromone có thể coi là hormone tình dục phát ra bởi các loài côn trùng mang những tín hiệu sinh học đặc biệt như “tôi đang sẵn sàng làm tình”, “let’s make love”…). Chiến thuật giả làm bạn tình (pseudocopulation) ở các loài Lan ong (Bee Orchid) có lẽ là gây đau đớn nhất. Lan có thể trông giống hệt một con ong, một con bướm cái… thu hút những con đực hào hứng tham gia vào các cuộc giao phối điên cuồng, nhưng vô ích.

Một người đam mê nghiên cứu về Lan và các cách thức dụ dỗ thiên tài của chúng, không ai khác chính là Charles Darwin. Trong sách “THE VARIOUS CONTRIVANCES BY WHICH ORCHIDS ARE FERTILISED BY INSECTS”, Darwin chỉ ra những hiểu biết sâu sắc về quá trình đồng-tiến hóa (co-evolution) của một số loài Lan và một loài thụ phấn cụ thể. Bằng cách nào đó, hai dạng sống này đã phát triển đồng thời, điều này có thể giải thích làm thế nào mà hai sinh vật sống hoàn toàn khác nhau lại phụ thuộc vào nhau.

Trong một ví dụ kinh điển, Darwin mô tả về một loài Ngọc lan tây Star Orchid đến từ Madagascar (Angaecum sesquipedale): hoa có màu trắng, phát ra hương thơm vào buổi đêm và có một giếng mật nằm sâu ngoài tầm với của tất cả các loài bướm đêm đã biết. Từ đó Darwin dự đoán về sự tồn tại của một loại bướm đêm đặc biệt có vòi dài tới 30cm, giống như ống hút, đủ dài để chạm tới giếng mật. Ông đã bị người đời chê cười cho tới 30 năm sau, khi những video và ảnh tóm được khoảnh khắc loài bướm đêm kì dị vòi siêu dài đang hút mật Ngọc lan tây được công bố. Loài bướm đêm đó sau này được đặt tên là “Predicta Moth” để tôn vinh dự đoán của Darwin.

Họ Lan kể ra đã có thể tuyệt chủng từ lâu sau thảm họa thiên thạch vì sự lệ thuộc vào một số loài thụ phấn nhất định. Thay vào đó, chúng thích nghi, nhân bản, đột biến và tiến hóa. Chúng tồn tại bởi mỗi loài Lan có cách thức riêng của nó để trở nên không thể khước từ. Chúng tồn tại vì chúng quá dễ biến đổi. Con người chúng ta, giống như những chú ong cô đơn, bằng một cách nào đó cũng đã bị quyến rũ bởi Lan hàng trăm năm qua.

Quảng cáo

Mắt xích con người

Con người và hoa Lan có mối quan hệ gì? Bằng cách tham gia vào những cuộc săn Lan chết chóc, ta gặt hái được gì? Chúng ta nằm ở đâu trong hành trình của tiến hóa?

Lưu ý rằng, phải mất hàng thế kỷ để người ta mở khóa bí mật làm sao loài Lan có thể sống và ra hoa trong nhà kính. Vào năm 1851, B.S.Williams đã xuất bản ấn bản đầu tiên của sách “Hướng dẫn cơ bản dành cho người chơi Lan” (The Orchid Grower’s Manual). Kể từ đó, kiến thức cơ bản về môi trường sống lý tưởng của Lan đã đến được với đại chúng. Để rồi năm 1853, giống lai đầu tiên xuất hiện. Sau đó, hàng loạt các khám phá khác, bao gồm khám phá về công nghệ nuôi cấy mô đã biến văn hóa chơi Lan trở thành một thị trường toàn cầu trị giá hàng tỉ đô. Giờ đây, những loài hoa Lan từng là biểu tượng của sự giàu có nay đã trở nên phổ biến đối với hầu hết mọi người.

Vậy những thợ săn Lan đi về đâu? Họ vẫn tồn tại, chỉ là không phải đánh cuộc sinh mạng như trước nữa. Orchidelirium không hề biến mất. Có những loài Lan hài (Paphiopedilum) đã được phát hiện ở Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam) trong những năm gần đây. Và, trước khi chúng chính thức được mô tả trong phân loại thực vật, các quần thể đã bị dân săn trộm thu hái nhiệt tình tới mức tuyệt chủng. Dạo quanh các Diễn đàn và Group về Lan ở Việt Nam, tôi thấy nhiều loài mới vẫn đang được phát hiện, mặc dù những nhà thực vật học cam kết giữ kín vị trí tìm thấy. Dù Lan đã được sản xuất hàng loạt để đáp ứng niềm ham mê cuồng nhiệt của chúng ta, rất nhiều loài Lan quý, khó nhân giống vẫn có nguy cơ bị xóa sổ bởi ham muốn sở hữu của con người, mặc dù họ chưa chắc đã có đủ khả năng để duy trì sự sống cho chúng.

Hài việt, Hài bóng (Paphiopedilum. vietnamense)
Paphiopedilum vietnamense (Hài việt, Hài bóng): một loài Lan đặc hữu của Việt Nam. Hài việt được phát hiện từ năm 1999 nhưng cho đến nay đã bị đánh giá là tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Photo: thiennhien.net.

Nhưng trong hầu hết các trường hợp, mối đe dọa lớn đối với hoa Lan đến từ sự phá hủy môi trường sống. Nạn phá rừng, lạm dụng thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính yếu khiến các giống Lan hoang dã đang dần biến mất trong vòng 200 năm qua. Bởi những yêu cầu khắt khe về điều kiện sống, về sự hiện diện bắt buộc của các tầng tán cây, của côn trùng thụ phấn lẫn nấm cộng sinh rễ… sự có mặt của Lan có thể nói lên rất nhiều về sức khỏe sinh thái của cả một vùng. Đối với Liên minh bảo tồn Lan (Orchid Conservation Alliance – viết tắt OCA), bảo tồn Lan tức là bạn phải bảo tồn cả hệ sinh thái. Để làm việc đó, họ cần tìm được những nơi có đặc điểm hệ sinh thái đặc sắc, tìm người bán đất, gây quỹ, mua cả khu đất đó, thiết lập an ninh chặt chẽ… sau đó mới tính đến chuyện bảo vệ hay bảo tồn. Một khối lượng công việc quá là khổng lồ. Nhưng đổi lại, các loài Lan đang bên bờ tuyệt chủng đã trở lại trong các khu bảo tồn. Và đương nhiên, rất nhiều loài Lan và động thực vật khác ngoài Lan cũng đã trở lại… sự hồi sinh của thiên nhiên diễn ra ngay khi vắng mặt con người. Một điều vừa đẹp nhưng cũng thật buồn.

“Con người và hoa Lan có mối quan hệ gì? Chúng ta nằm ở đâu trong hành trình của tiến hóa?” Câu hỏi này xin dành cho các bạn đọc tự suy ngẫm.

Quảng cáo

Tạm kết

Sau lần đầu tiên làm “lâm tặc”, tôi đã gặp Lan gấm nhiều hơn trên các Group mua bán cây rừng. Những người bán thậm chí còn chẳng biết gì về mức độ nguy cấp của cây, họ bán với giá rất rẻ vì một ý tưởng đơn giản: có cung thì ắt có cầu. Một số người bắt đầu phát cuồng về nó, và chẳng lâu sau thì hàng cấy mô Trung Quốc đã tràn ngập thị trường. Những lần đi rừng về sau thậm chí tôi còn tìm ra cả những mảng lớn Lan gấm đang lên hoa, khiến nỗ lực đầu tiên của tôi để chiếm đoạt bằng được một cái cây duy nhất tôi tìm thấy – giống như một trò đùa. Nhưng tôi không còn muốn động vào nó nữa. Sự thừa thãi của thiên nhiên đã cho tôi thấy động lực và sự ngốc nghếch của mình. Tôi nhìn lại hình ảnh mình trong quá khứ không khác gì quỷ Gollum trong Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn – nhưng với một con mắt thông cảm hơn.

“Tôi muốn đam mê một cái gì đó giống như người ta đam mê hoa Lan vậy. Tôi muốn biết cảm giác thế nào khi ta quan tâm đến một thứ ta thật sự đam mê.”

Đó là một câu độc thoại của nữ chính trong phim Adaptation (2002). Nhưng khi sự đam mê tới thì nó không thể diễn đạt ra bằng ngôn từ, nó gần như là một điều đã được định trước. Những giá trị mà con người đặt ra, những ham muốn giúp chúng ta cảm thấy mình có thể đo lường được thế giới này. Nhưng thế giới là không thể đong đếm, có lúc nó khiến ta ham mê tới điên cuồng, có lúc nó lại mất nghĩa, trở nên thật phù du và vô vọng. Lan kể cho chúng ta câu chuyện diệu kỳ về hành trình tiến hóa, nhưng đồng thời, Lan cũng đang kể câu chuyện về sự hủy diệt.

Hoa Lan, côn trùng thụ phấn, thú ăn côn trùng, thú ăn thịt, nấm mốc, địa y, con người… tất cả chúng ta đều đang nằm trong mối quan hệ cộng sinh. Mọi nỗ lực tước đi thứ gì đó của tự nhiên giống như múc trăng từ giếng. Đòi hỏi quá nhiều từ tự nhiên, chính ta sẽ đánh mất linh hồn của mình.

P.s: 5 cách để bạn có thể góp phần bảo vệ Lan

  1. Từ chối mua hàng rừng, từ chối săn Lan, trừ khi dùng cho mục đích nghiên cứu.
  2. Nếu cần mua Lan để trang trí đơn thuần, hãy mua hàng nuôi cấy mô hoặc đã được nhân giống công nghiệp.
  3. Học hỏi về Lan càng nhiều càng tốt. Tham gia nhận dạng và phân loại các loài bản địa. (Tham khảo các bài viết trong phần “Vấn đề bảo tồn Lan” ở mục Tham khảo bên dưới)
  4. Quyên góp cho các tổ chức bảo tồn Lan và các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
  5. Bảo vệ môi trường sống bằng mọi cách có thể.

Tham khảo

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/Orchidelirium
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Orchidaceae
  3. https://www.allaboutgardening.com/types-of-orchids/
  4. https://orchids.fandom.com/wiki/Main_Page
  5. https://www.slq.qld.gov.au/blog/orchidelirium-when-love-turns-obsession
  6. https://www.mentalfloss.com/article/88888/dangerous-and-highly-competitive-world-victorian-orchid-hunting
  7. https://modernfarmer.com/2014/08/old-time-farm-crime-wild-wooly-cutthroat-world-victorian-orchid-hunters/
  8. https://www.newyorker.com/magazine/1995/01/23/orchid-fever
    Phương thức sinh sản ở Lan
  9. https://www.goodreads.com/book/show/2418471.The_Intelligence_of_Flowers
  10. https://www.pbs.org/wnet/nature/obsession-with-orchids-beautiful-deceivers/1937/
  11. https://www.pbs.org/wgbh/nova/orchid/smarts.html
  12. https://www.pbs.org/wnet/nature/obsession-with-orchids-flower-power/1938/
  13. https://www.theguardian.com/science/lost-worlds/2013/oct/02/moth-tongues-orchids-darwin-evolution
  14. Sex, Lies and Orchids:
    https://youtu.be/WnNvkGEdofQ
  15. The sexual deception of orchids – Anne Gaskett:
    https://youtu.be/hmI-rJuYAjw
  16. An Orchid’s Trap | Wings of Life:
    https://youtu.be/_uHJGdTgtXE
    Vấn đề bảo tồn Lan
  17. https://academic.oup.com/aob/article/126/3/345/5837070
  18. https://www.ic.edu/biology/orchidrecovery
  19. https://www.orchidconservationcoalition.org/conservationorgs.html
  20. Orchid Conservation Via Habitat Preservation: https://youtu.be/X254V0c1adM
  21. https://www.thiennhien.net/2012/01/26/theo-dau-lan-hai-viet-nam-ky-1/


___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.


Quảng cáo
24 Shares
error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Share via
Copy link
Powered by Social Snap