fbpx
ánh sáng trong nhà đủ cho cây

Cơ bản về ánh sáng khi chăm sóc cây nhà

Không phải đất trồng, nước tưới hay phân bón, ánh sáng mới là thức ăn quan trọng nhất mà cây nhà cần.

Quang hợp là quá trình sinh lý quan trọng nhất không những quyết định đến các hoạt động sống của thực vật mà cả mọi sinh vật trên trái đất. Lượng ánh sáng quyết định quá trình quang hợp và toàn bộ các quá trình khác như trao đổi nước, hô hấp, dinh dưỡng… Đối với việc chăm sóc cây nhà(*), lượng ánh sáng sẽ là yếu tố đầu tiên cần phải chú tâm, sau đó mới đến các yếu tố khác như đất trồng (giá thể), nước tưới, phân bón…

Đa phần chúng ta khi mới thử trồng cây nhà (house-plant) thì đều nghĩ rằng việc chăm sóc cây đơn thuần chỉ là chọn một chậu cây thật đẹp đem về nhà và tưới đủ nước, bón thêm phân thế là cây sẽ lớn. Tuy nhiên, nếu không có đủ lượng ánh sáng cần thiết, cây sẽ thậm chí chẳng cần dùng tới nước hay bất kì loại chất dinh dưỡng nào. Chưa kể, khi bạn tìm hiểu về cách chăm sóc các loại cây nhà trên internet, những thông tin mà bạn nhận được rất qua loa thậm chí gần như không giúp cho bạn hiểu gì về cây.

Trước kia, cây cảnh chủ yếu được trồng bên ngoài, với lượng ánh sáng dồi dào sẵn có nên mọi người không để ý quá nhiều tới yếu tố này. Thời nay, do sự phát triển của cuộc sống đô thị hoá, con người dần cách rời tự nhiên để sống trong những căn nhà với 4 bức tường, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ít hơn, tuy nhiên nhu cầu đem cây xanh vào không gian sống lại được coi trọng hơn. Việc đem cây cối vào trong nhà hay văn phòng sẽ vô cùng khó khăn nếu bạn không hiểu về lượng ánh sáng mà mỗi loại cây cần, để chọn được cây phù hợp và giúp cây sống khoẻ mạnh mà không tốn quá nhiều thời gian chăm bẵm. Vì thế trong bài viết này mình sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về ánh sáng để bạn có thể lựa chọn và chăm sóc những chậu cây nhà dễ dàng hơn.

(*)”Cây nhà” (house-plant): Các loại cây được trồng vào trong chậu và đặt bên trong phạm vi tòa nhà (nơi sinh sống hoặc nơi giải trí, học tập, văn phòng làm việc…), không hoặc ít tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết (mưa, nắng, gió)… như cây trồng ở ngoài trời. Cụm từ này sẽ được nhắc tới nhiều lần trong loạt bài của NOTH.

Những lầm tưởng về ánh sáng trong việc chăm sóc cây nhà

Khi mới tìm mua cây, chúng ta thường chỉ quan tâm tới việc chọn cây nào đẹp, lạ, trend, phong thuỷ… chứ chẳng mấy ai quan tâm tới việc chọn cây phù hợp với lượng ánh sáng nơi đặt cây. Đây là nguyên nhân dẫn đến hầu hết những trải nghiệm thất vọng trong quá trình chăm sóc cây nhà. Khi đã tìm được một vài cây ưng mắt, câu hỏi đầu tiên mà bạn đặt ra là “cây này có để được trong nhà không?“. Tất nhiên, câu trả lời từ người bán hàng đa phần sẽ luôn làm hài lòng khách hàng “cây này để được trong nhà bạn ạ“, ai có tâm hơn thì sẽ nhắc nhở thêm rằng “thỉnh thoảng bạn đem cây ra ngoài là được“. Chưa kể, khi tìm kiếm các thông tin về cây nhà trên mạng thì chủ yếu chỉ nói đến hợp mệnh, cây lọc không khí, cây ý nghĩa… còn những thông tin liên quan tới việc chăm sóc đều rất chung chung.

Hãy đặt ra những thắc mắc rằng, nếu cây “để được trong nhà”, thì nên để chỗ nào (kệ tivi, bàn ăn, phòng tắm, phòng ngủ…), chưa kể mỗi nơi trong nhà sẽ có lượng ánh sáng khác nhau. “Thỉnh thoảng đem ra ngoài” vậy thỉnh thoảng chính xác là bao lâu, một tuần hay một tháng khác nhau hoàn toàn. Còn cả những sự mô tả về ánh sáng hết sức mông lung như “ánh sáng nhẹ, ít ánh sáng, nhiều ánh sáng…” thì kể cả với người chăm cây nhiều năm như mình cũng khó có thể hiểu được thế nào là nhẹ, thế nào là nhiều hay ít?

Sự thật là con người cũng như các loài động vật có sự cảm nhận về ánh sáng rất kém, do mắt được sinh ra để nhìn mọi thứ rõ hơn, kể cả với không gian ít ánh sáng nhưng mắt cứ nhìn được thì chúng ta vẫn cảm thấy đủ sáng, còn với cây thì khác. Ánh sáng với con người là để nhìn, còn với thực vật là thức ăn. Cây đặt nơi thiếu sáng giống như việc nó bị bỏ đói vậy, gầy gò, vàng úa. Vì thế, trước khi tìm mua những chậu cây về nhà, bạn cần biết được lượng ánh sáng ở nhà mình như thế nào đã.

Quảng cáo

Lượng ánh sáng ở nhà như thế nào?

Rất nhiều bạn hỏi vườn NOTH rằng cây nào thì để được trong nhà? Đây là một câu hỏi rất khó để có thể trả lời chính xác. Cùng là trong nhà nhưng mỗi nơi bạn đặt sẽ có lượng ánh sáng khác nhau, cùng là cửa sổ nhưng có cửa sổ thì nhiều nắng mà có cửa sổ thì lại không, hoặc kể cả bạn để cây ở ban công nhưng mỗi nhà sẽ có kiểu ban công khác nhau và hướng ánh sáng khác nhau. Và chưa kể mỗi thời điểm trong ngày hay mỗi mùa tuỳ vào thời tiết cũng sẽ quyết định trực tiếp đến lượng ánh sáng. Vậy nên, chúng mình thường yêu cầu các bạn mô tả kĩ hơn về lượng ánh sáng nơi bạn định đặt cây để có thể hỗ trợ chính xác.

máy đo sáng
Kiểm tra độ sáng bằng máy đo sáng là cách duy nhất để “nhìn” sáng dưới góc độ của một cái cây. Photo: Darryl Cheng.
Các ứng dụng đo sáng hiện cũng có độ chính xác khá cao. Photo: Darryl Cheng.


Thật ra để đo được chính xác lượng ánh sáng, chúng ta sẽ cần đến những thiết bị đo sáng, tuy nhiên không phải ai cũng có nhu cầu mua chiếc máy đo sáng làm gì cả trong khi chỉ chăm một vài chậu cây. Giờ đây bạn cũng có thể tải app đo sáng về điện thoại, tuy độ chính xác không cao bằng các máy đo sáng chuyên dụng nhưng bạn cũng nên thử. Với trải nghiệm của mình thì các app trên android sẽ có độ chính xác cao hơn app ở ios, gợi ý bạn sử dụng app HPJ Light Meter hoặc có thể tự tìm các app tương tự với đơn vị đo là Foot-candle (fc) hoặc LUX (lx).
Trong bài này mình sẽ cố gắng mô tả dễ hiểu nhất để các bạn có thể hình dung được lượng ánh sáng ở nhà như thế nào, sự mô tả chi tiết bằng lời kết hợp với con số được đo bằng máy

Các mức cường độ sáng

  • Nắng trực tiếp (Direct sunlight):
    Là ánh sáng chiếu thẳng từ mặt trời hoặc xuyên qua kính mà không bị che chắn bởi bất cứ thứ gì. Đây là khi lượng ánh sáng có cường độ mạnh nhất. Mức sáng đo được bằng máy khoảng 4000 đến hơn 8000 foot-candle.
  • Ánh sáng tán xạ, ánh sáng được lọc (Filtered/Diffused Sun):
    Là ánh sáng chiếu trực tiếp từ mặt trời nhưng được che/lọc/khuếch tán bởi những tán lá cây (bóng râm) hoặc những đám mây (trong những ngày nhiều mây) hoặc chiếc rèm mỏng ở cửa sổ hoặc lưới lọc sáng (thường được dùng cho các vườn lan). Thường được gọi với cái tên “Bright Indirect Sunlight”. Lượng ánh sáng này sẽ được giảm đi đáng kể so với nắng trực tiếp, và là mức ánh sáng lý tưởng cho hầu hết các loại cây nhà. Cường độ sáng lúc này có phạm vi rất rộng, từ 200 đến hơn 1000 foot-candle, cao hay thấp phụ thuộc vào vật lọc sáng.
  • Ánh sáng phản chiếu (Reflected light):
    Tại những nơi mà ánh nắng trực tiếp không thể chạm tới, nơi này được che chắn bởi tường, mái tôn, những ngôi nhà xung quanh quá sát nhau, hoặc một vị trí cách xa cửa sổ vài mét. Lượng ánh sáng có được chủ yếu do phản chiếu bởi không gian xung quanh. Khoảng 50 tới hơn 100 foot-candle là mức sáng đo được, “Low light” chính là từ dùng để mô tả cho những nơi có mức ánh sáng này.
  • Không có ánh sáng (No light):
    Đây là nơi mà có thể bạn vẫn nhìn rõ được mọi đồ vật xung quanh thậm chí còn đọc sách được, thế nhưng đối với cây thì được coi là không có ánh sáng. Ví dụ như những văn phòng kín chỉ có ánh đèn trần, những góc tường khuất sáng cách xa cửa sổ. Dưới 50 foot-candle là con số đo được tại khu vực này.
  • Ánh sáng nhân tạo (Artificial light):
    Tức là ánh sáng từ đèn điện, thường là đèn LED. Cường độ sáng của đèn dựa vào công suất đèn và khoảng cách từ đèn tới cây. Cùng 1 chiếc đèn nhưng nếu được đặt trên trần nhà sẽ mức sáng khoảng 20 foot-candle, nhưng khi đặt cách cây chỉ 30cm thì mức sáng có thể lên tới 150 đến hơn 200 foot-candle. Chất lượng ánh sáng phụ thuộc vào chất lượng của bóng LED, các bóng LED sẽ mô phỏng lại nhiệt độ màu, các dải quang phổ… tương tự với ánh sáng tự nhiên, nhiều loại đèn cùng với mục đích sử dụng còn cho ra kết quả vượt trội hơn so với ánh sáng tự nhiên.
Illustration: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0. Artist: Kawako Giang.

Thế còn thời gian chiếu sáng thì sao?

Cường độ ánh sáng quan trọng trong việc chọn nơi đặt cây và chăm sóc, thế nhưng biết về cường độ thôi vẫn chưa đủ, bạn sẽ cần biết về thời gian chiếu sáng trong ngày nữa. Nhiều bạn sử dụng đèn và nghĩ rằng chiếu sáng cho cây càng nhiều thì chúng sẽ càng lớn nhanh nhưng không đúng, cây sẽ kiệt sức nếu ăn sáng quá nhiều và ăn suốt cả ngày. Ngược lại nếu ăn ít quá, tất nhiên cây sẽ còi cọc và kém phát triển. Với cường độ ánh sáng lý tưởng, thời gian chiếu sáng liên tục cho cây chỉ nên tối đa 18htối thiểu 6h mỗi ngày tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng và tuy loại cây. Chúng vẫn cần được nghỉ ngơi để hoàn tất quá trình hô hấp quan trọng không kém gì quá trình quang hợp.

Khi trồng cây nhà với ánh sáng tự nhiên, cường độ sáng và thời gian chiếu sáng phụ thuộc vào điều kiện thời tiếtvị trí bạn đặt cây. Đây là điều bạn cần chú ý để điều chỉnh ánh sáng sao cho phù hợp. Vì cùng một vị trí, cường độ ánh sáng sẽ thay đổi nhiều trong ngày và trong các ngày khác nhau, thời gian chiếu sáng cũng sẽ thay đổi nhiều trong từng mùa.

*Ví dụ: Trong một ngày trời quang, khi đặt cây ở cửa sổ hướng Đông, ánh nắng từ mặt trời sẽ chiếu thẳng trực tiếp vào cây trong khoảng 4-6h, cường độ sáng lúc này đo được trên 6000 FC, từ buổi trưa trở đi cây sẽ nhận được ánh sáng tán xạ chỉ khoảng 400-600 FC trong 4-6h tiếp theo. Hướng nắng của mặt trời cũng sẽ thay đổi rõ rệt trong từng mùa, rõ nhất là mùa hè với mùa đông, mùa đông thì ở cửa sổ này thời gian nắng chiếu trực tiếp sẽ lại ít hơn. Chưa kể với những ngày trời mưa hoặc âm u, cường độ ánh sáng thậm chí chỉ từ 100-200 FC (tương đương với vị trí “Low light” trong những ngày nắng), lúc này những chiếc đèn sẽ phát huy tác dụng của nó.

Quảng cáo

Chọn cây phù hợp với lượng ánh sáng

Vậy là bạn đã nắm rõ được lượng ánh sáng ở ngôi nhà mà bạn đang sống như thế nào rồi đúng không? Chưa hẳn đâu, có thể bạn sẽ cần thêm thời gian để trải nghiệm một cách thực tế. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể biết cách lựa chọn cây phù hợp dựa trên danh sách các loại cây mà mình liệt kê phía dưới. Tuy nhiên, bạn hãy xác định sẵn tâm lý rằng nếu nơi bạn định đặt cây có lượng ánh sáng ít, thì bạn không có nhiều sự lựa chọn, hoặc là bạn sẽ cần sắm thêm đèn cho cây.

Không ánh sáng (No light):
Cây giả là loài cây duy nhất có thể sống mãi ở điều kiện này.

Ánh sáng phản chiếu (Reflected light/Low light):

Zamioculcas zamiifolia (ZZ plant – thường được gọi là Kim tiền), Epipremnum (Pothos – Thường gọi là Vạn niên thanh), Sansevieria (nay là ‘Dracaena’ – thường gọi là Lưỡi hổ, Lưỡi cọp), một vài loài trong chi Philodendron (thường gọi là Trầu bà)Chamaedorea (Palm – Thường gọi là Cau, Cọ ) có thể “chịu đựng” được lượng sáng này trong thời gian dài.

Ánh sáng tán xạ, ánh sáng được lọc (Filtered/Diffused Sun):
Hầu hết các loại cây lá nhiệt đới đều yêu thích lượng ánh sáng này, những loại cây được gọi với cái tên Cây trong nhà (indoor plant) như Monstera , Philodendron , Epipremnum , Anthurium , Alocasia , Polypodiaceae (Fern) , Begonia , Hedera helix , Calatheas , Caladium

Nắng trực tiếp (Direct sunlight):
Phù hợp với đa phần các loại cây mọng nước (Succulent) như Cactus (họ Xương rồng), Echevieria (thường gọi là Hoa đá, Sen đá), Aloe (chi Nha đam, Lô hội), Agavaceae (họ Thùa),… và các cây thân gỗ như Ficus (chi Sung/Si/Đa), các loại Tùng/Thông (Juniperus) và nhiều loại cây hoa.

Quảng cáo

Cây sẽ như thế nào khi thiếu hoặc thừa sáng?

Thiếu sáng là thiếu cả về cường độ sáng lẫn thời gian chiếu sáng. Thiếu sáng cũng tương tự với thiếu ăn, thiếu năng lượng, tuỳ vào mức độ thiếu sáng mà cây sẽ có những mức độ biểu hiện ra bên ngoài. Đa phần chúng sẽ có xu hướng vươn dài thân để cố gắng đón được nhiều ánh sáng hơn, cùng với đó thân sẽ còi hơn, khoảng cách giữa các lá thưa thớt, lá cũ rụng bớt và lá non nhỏ dần. Thiếu sáng sẽ thường đi kèm với dư nước (hư rễ), vì khi không ăn sáng, cây sẽ gần như không cần dùng tới nước để chuyển hoá dinh dưỡng. Bằng bản năng sinh tồn chúng sẽ tìm đủ mọi cách để vươn tìm ánh sáng cho tới khi không còn chút sức lực nào nữa, hoặc chúng sẽ “hẹo” sớm hơn vì bị uống nước quá nhiều.

Cây Monstera này đang chịu đựng để thích nghi với môi trường ít sáng. Thân của nó cao lên với mong muốn hứng được thêm ánh sáng, các lá sau nhỏ do lượng thức ăn (ánh sáng) không đủ, những lá cũ cũng có xu hướng úa dần. (Photo: Last HeroCC BY-SA 2.0).

Thừa sáng là lượng ánh sáng gắt gỏng, thường đi cùng với nhiệt độ cao (bạn có thể tìm hiểu về yếu tố nhiệt độ ở link này), trái ngược lại với thiếu sáng, cây sẽ xu hướng né tránh chứ không vươn về hướng sáng, có cây thì cụp (cong) lá lại để giảm tối đa sự tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ cao khiến cây mất nước nhanh, chúng tự thoát nước từ cơ thể ra khỏi những lỗ khí khổng trên lá (giống như lỗ chân lông ở người) để làm mát cơ thể. Lúc này cây sẽ cần rất nhiều nước, tuy nhiên việc thoát nước làm mát cơ thể chỉ giúp ích một phần cho cây, vì thời gian chúng uống thêm nước để thoát ra quá chậm so với thời gian bị “đốt cháy” bởi lượng ánh sáng kia. Sự mất nước khiến lá bị cháy khô, héo ngọn và thân khô cằn. Tốc độ héo của cây phụ thuộc vào độ gắt của ánh sáng, nhiệt độ, và khả năng chịu nắng nóng của từng cây, nhiều trường hợp nếu không cấp cứu kịp thời cây có thể sẽ “ra đi” rất nhanh, nhất là với những dòng cây mảnh khảnh ưa ẩm.

sung lá đàn cháy lá
Cây Sung (Ficus lyrata) này chịu nắng rất tốt, nhưng chỉ cần thiếu nước thôi là có thể cháy lá trong một ngày. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
cây cháy lá
Dương xỉ bị cháy do thừa sáng (nắng trực tiếp). Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Đây chỉ là sự mô tả chung về đa phần chứ không phải tất cả các loại cây, mỗi loại sẽ có những biểu hiện ra bên ngoài và cách đối phó lại với điều kiện ánh sáng khắc nghiệt khác nhau.

Bổ sung ánh sáng cho cây nhà bằng đèn LED

LED là loại đèn được ưa dùng nhất hiện nay do ưu điểm tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ cao, toả nhiệt thấp… Tuy nhiên, đa phần đèn LED được tạo ra để phục vụ hoạt động sinh hoạt của con người, nên về nhiệt độ màu, cường độ ánh sáng, dải quang phổ của đèn sẽ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu cho mắt, nhưng với cây thì lượng ánh sáng này thật yếu ớt.
Dễ hiểu nhất, sử dụng đèn LED là cách chúng ta cố gắng mô phỏng lại lượng ánh sáng tự nhiên của mặt trời để chiếu sáng cho cây trồng. Hiện nay việc sử dụng đèn để hỗ trợ cho cây là khá phổ biến, trong bài này vườn NOTH sẽ hướng dẫn bạn cách chọn loại đèn phù hợp, để biết chi tiết hơn chúng mình sẽ dành riêng một bài khác chia sẻ về đèn.

  • Nếu chỉ có 1-2 chậu cây nhỏ (chậu từ 8cm đến 12cm) để trên bàn, bạn có thể sắm một chiếc đèn bàn thông thường với công suất 6-12W, chọn đèn có ánh sáng trắng. Bạn cũng có thể chọn loại có thể điều chỉnh được 3 màu ánh sáng (trắng, vàng, trung tính) để tiện sử dụng cho các công việc khác như làm việc, đọc sách, đối với đèn có 3 màu sáng thì có thể chọn ánh sáng trắng hoặc trung tính. Đèn chiếu từ trên xuống cách cây khoảng 20-25cm.
  • Đối với chậu cây từ 15-20cm trở lên, bạn cần chọn đèn có công suất trên 24W. Nhiều bạn sử dụng bóng LED Buld 30W sau đó gỡ phần vỏ nhựa tản sáng ra để tăng cường độ sáng cho cây. Nếu đầu tư hơn có thể sử dụng các bóng chuyên dụng cho cây trồng như Sansi hoặc Philips. Đặt cách cây từ 45-100cm có thể chiếu sáng được cho 3-5 chậu cây.

Kết luận

  • Ánh sáng là thức ăn quan trọng nhất của thực vật, cung cấp năng lượng để chúng thực hiện toàn bộ các hoạt động sinh lý khác nhau, không có năng lượng tức là mọi hoạt động của cây đều yếu ớt thậm chí ngưng phát triển.
  • Chăm sóc cây nhà trước tiên cần biết điều kiện ánh sáng nơi bạn đang sống, sau đó cần biết những loại cây phù hợp với từng vị trí ánh sáng. Còn lại những việc khác như tưới tắm, bón phân, chất dinh dưỡng … cứ để sau.
  • Nếu không gian thiếu thốn ánh sáng mà bạn vẫn muốn chăm cây. Một là đừng ham những loại cây “đẹp, độc, lạ, đột biến, có hoa” làm gì để rồi chăm không nổi, cần chấp nhận chọn một một số ít loại cây có thể chịu đựng được. Hai là đầu tư thêm đèn chiếu cho cây. Nếu không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên, chúc mừng bạn sắp có một khu vườn nhỏ cho riêng mình.
  • Ánh sáng tự nhiên là loại ánh sáng toàn diện nhất mà cây cần. Ánh sáng nhân tạo chỉ cố gắng nhất có thể sự mô phỏng lại ánh sáng tự nhiên, dù năng suất có thể cao hơn nhưng ánh sáng tự nhiên luôn dồi dào và có những “thứ” mà ánh sáng nhân tạo khó có thể làm ra được.

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.


    Quảng cáo
    0 Shares
    Share via
    Copy link
    Powered by Social Snap