fbpx

“Thuật dưỡng sinh” cho cây nhà vào mùa đông

“Người giỏi dưỡng sinh giống như kẻ chăn dê: quan sát con nào lạc phía sau và quất roi vào chúng.” [Trang Tử, Đạt Sinh]. Chăm sóc cây cũng có tính chất tương tự. Mùa đông là một thời điểm rất nhạy cảm đối với cây nhà, nếu không không biết cách “quất roi”, điều chỉnh phù hợp cách chăm sóc, nhiều loại cây sẽ “buồn” như màu ảm đạm của mùa đông, thậm chí còn không thể sống sót.

“Đông tàng”

Điều đầu tiên mình ngộ ra sau mấy năm chăm cây nhà có thể tạm gọi là “thành công”, đó là “chăm sóc cây không khác gì chăm sóc bản thân mình”.

Việc chăm sóc cây và Thuật dưỡng sinh có rất nhiều điểm tương đồng mà một trong số đó là “Tứ thời dưỡng sinh”. Chăm cây cũng như chăm sóc và bảo tồn cơ thể, cần phải nương theo bốn mùa để điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp. Các cụ có câu: “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng” (mùa Xuân sinh ra cái mới; mùa Hạ trưởng thành, phát triển; Thu gói ghém, chuẩn bị năng lượng dự trữ cho mùa Đông – khi vạn vật tạm ngừng hoạt động, chuyển sang trạng thái ngủ – “ẩn tàng”).

Vào mùa đông chúng ta thường buồn ngủ sớm hơn và thức dậy muộn hơn, nằm mãi trong chăn mà không chịu dậy, thực ra lại là điều hợp lý trong dưỡng sinh. Ngủ sớm chính là để dưỡng dương khí, dậy muộn để củng cố âm tinh cho cơ thể. Cây cối cũng có sự thông minh để “ngủ dậy muộn” như cơ thể chúng ta vậy. Mùa đông mặt trời mọc muộn và không mọc lên đỉnh khiến cho ngày ngắn, đêm dài. Do đó hoạt động của cây cối giảm hẳn.

Tuy nhiên cây nhà (*) có một điểm đặc biệt hơn so với cây trong vườn – chúng thường được mang tới từ các vùng khác chứ không phải tự mọc. Vì vậy điều đầu tiên cần lưu ý là phải khảo sát điều kiện mùa đông nơi loài đó sinh ra (hoặc nơi nó được thuần dưỡng) như thế nào và cố gắng mô phỏng điều kiện đó. Bạn cần hiểu tại sao một vài loại cây thân leo, bò như Trầu bà vàng (Epipremnum aureum) có thể phát triển quanh năm, trong khi đó một số loài Si, Bàng có thể chủ động đổi màu và rụng lá ngay từ mùa thu và chỉ còn trơ trọi cành khô vào mùa đông. Nếu cây của bạn sinh ra từ vùng rừng nhiệt đới nóng ẩm, nơi có ít sự khác biệt giữa hai mùa Đông – Hạ, thì chúng thường không có thời kỳ “ngủ đông” giống như các loại cây tới từ vùng ôn đới.

Chăm cây nhà vào mùa đông hãy nhớ tới điều quan trọng nhất: “Đông tàng”. Đây là khoảng thời gian để bảo vệ, tiết chế hoạt động. Con người, cây cối hay bất cứ sinh vật nào cũng không thể tách rời sự biến chuyển của đất trời. Giúp cây đi qua mùa đông khắc nghiệt thành công, bạn có thể mong đợi một sự sinh trưởng mạnh mẽ khi tiết trời vào xuân.

(*)Cây nhà” (house-plant): Các loại cây được trồng vào trong chậu và đặt bên trong phạm vi tòa nhà (nơi sinh sống hoặc nơi giải trí, học tập, văn phòng làm việc…), không hoặc ít tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết (mưa, nắng, gió)… như cây trồng ở ngoài trời. Cụm từ này sẽ được nhắc tới nhiều lần trong loạt bài của NOTH.

Quảng cáo

6 bí kíp “dưỡng sinh” cho cây nhà vào mùa đông

1. Giảm uống

Nếu cây của bạn hay chết trong mùa đông, hầu hết trường hợp là do úng nước. Đương nhiên để dẫn tới cái chết thường là sự cộng hưởng của vô vàn lí do, nhưng úng nước là cách dẫn tới cái chết nhanh và trực tiếp nhất.

Bạn có biết rằng 90% nước tưới cho cây sẽ được bốc hơi qua bề mặt lá? Đặc biệt trong những ngày hè nóng, cây dồn sức hút nước để liên tục bơm nước đẩy qua các lỗ khí giúp nó tự làm mát và thúc đẩy các quá trình như hô hấp – quang hợp. Mùa đông cây dùng nước ít hơn, một phần vì nó không còn nhu cầu phải làm mát như mùa nóng nữa. Nhiệt độ thấp, nước trong giá thể đất cũng chậm bốc hơi hơn.

Thay vì khuyên bạn tưới thật ít, vườn khuyến khích bạn chú tâm hơn vào tốc độ dùng nước của cây và học cách tưới cây “khi cây cần”. Mỗi cây có tốc độ dùng nước khác nhau, tùy vào nhu cầu riêng của chúng và cả loại giá thể đang dùng để trồng cây. Nhưng nhìn chung trong mùa đông lạnh, cây dùng nước chậm hơn bình thường. Mặt đất có vẻ khô nhanh hơn do độ ẩm không khí thấp, không có nghĩa là cần tưới nhiều hơn. Nếu ta cứ giữ nguyên lịch tưới như cũ, cây bị úng nước là điều dễ hiểu. Vì vậy hãy kiểm tra thật kỹ đất trước khi tưới bằng cách thọc ngón tay sâu hơn vào đất để cảm nhận, đặc biệt là nên kiểm tra cả phần đất phía dưới đáy chậu. Luôn đặt câu hỏi: “Cây đã dùng hết nước từ lần tưới gần nhất hay chưa?” rồi mới tưới.

Một tips cho bạn để kiểm tra độ ẩm của đất, mà có thể khá kì cục, đó là sờ đất và chà một ít lên da môi/da mí mắt. Việc kiểm tra độ ẩm bằng da ngón tay khá hiệu quả trong các mùa khác, tuy nhiên trong mùa đông da tay ta đồng nhất “lạnh” = “ẩm” vì vậy mà kém chính xác hơn. Làn da mắt và môi mỏng manh nhạy cảm hơn nhiều so với da ngón tay, nó phân biệt được những khác biệt tinh tế trong xúc chạm. Các bạn FA đã hiểu tại sao người ta cứ thích hôn nhau rồi chứ?

Lưu ý là, giảm nước chứ không cắt nước. Cây của mình thường khá ổn, nhưng lại rất hay chết hoặc sinh bệnh cả một loạt chính vào những lúc mình “ngại” nhất. Mình hiểu rằng mùa đông tâm trạng con người ta thường trùng xuống, tâm lý lười, sợ nước. Hiểu rằng khi tâm trạng mình trùng xuống, có thể chính là lúc cây đang gào thét vì bị bỏ bê quá lâu. Cây bị thiếu nước có thể ngả vàng, rụng lá, tới lúc cây đã quá khát mà bạn mới vội vã bơm thêm bao nhiêu nước làm cây lại chuyển từ khát sang úng, tội lắm thay.

2. Giảm tẩm bổ

Kinh nghiệm cho thấy việc bón phân đúng thời điểm và kiên trì quan trọng hơn là loại phân hoặc nhãn hiệu. Dù phân được sản xuất ở dạng hạt hay dạng nước thì nó cũng là muối, nó cần được hoà tan với nước để ngấm vào đất. Nếu cây đang chậm lớn hoặc giảm hoạt động mà tưới thêm phân (dưới dạng muối) thì lượng phân đó căn bản là thừa thãi. Thậm chí còn có thể khiến cây bị xót rễ do đất nhiễm “mặn”. Do đó nếu thấy cây đang chậm phát triển vào mùa đông, việc tốt nhất bạn có thể làm là cho nó một chế độ “ăn kiêng” phù hợp với tần suất vận động thấp.

Khi ta ốm, bao nhiêu sơn hào hải vị cũng chẳng bằng một bát cháo hành, loãng, nhạt, nhưng lại dễ hấp thu và giúp ta hồi phục nhanh hơn. Bạn cũng nên thận trọng như vậy khi thêm bất cứ dinh dưỡng nào cho cây trong mùa đông này. Chỉ thêm phân khi cây có dấu hiệu phát triển (liên tục ra lá, chồi non…), và giảm liều lượng phân-thuốc xuống khoảng 1/2 lần để chắc chắn cây không bị quá tải.

3. Hướng về phía mặt trời

Mùa đông ngày ngắn hơn đêm, số giờ chiếu sáng ít hơn. Vì vậy hãy “Follow the sun” – chuyển cây tới nơi nhận được nhiều sáng nhất có thể như cửa sổ/ban công phía nam và phía tây và cho cây ra ngoài tắm nắng dịu nhẹ khi có điều kiện. Xoay cây mỗi tuần 1-2 lần để nó mọc đều. Nếu như phòng bạn vốn đã rất ít sáng, thì tới mùa đông hãy cân nhắc bổ sung ánh sáng cho cây nhà bằng đèn LED. Đặc biệt khi nhận thấy đất quá lâu khô, bạn cần xem lại ánh sáng mà cây nhận được có ít quá không. Thiếu sáng, cây sẽ dùng rất ít, thậm chí không cần tới nước.

Cây của bạn cần đèn chiếu gần vào nó và chỉ dành riêng cho nó. Đèn điện trên cao là không đủ. Ta nghĩ “Phòng mình cũng sáng đấy chứ” nhưng đó chỉ là cảm quan của mắt ta, vốn có cơ chế tự điều chỉnh để luôn nhìn rõ trong bóng tối. Đó là cách tổ tiên chúng ta có thể sinh tồn, nhưng lại không hữu ích lắm khi đứng ở góc độ chăm cây. Chỉ có máy đo sáng mới có thể đưa ra cho ta kết quả chân thực rằng cây đã đủ sáng hay chưa. Hiểu về các mức cường độ ánh sáng khi chăm sóc cây trong nhà là đặc biệt hữu ích vào thời điểm này.

4. Giữ ấm và ẩm

Các bác sỹ hay khuyên ta không nên nằm điều hòa quá lạnh trong mùa hè hoặc uống nước lạnh trong mùa đông, đều có lí do của nó. Vùng họng của chúng ta được bảo vệ bằng lớp niêm mạc dễ bị co rút hoặc xung huyết khi tiếp xúc với nước lạnh đột ngột. Niêm mạc “hở”, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, virus, vi khuẩn (như xoắn khuẩn Vencent, H. influenzae, S.pneumoniae, M.catarrhalis, liên cầu…) xâm nhập phát triển gây viêm, đau họng.

Cũng như chúng ta, cây cối hầu như đều không thích sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Nhiệt độ tối ưu để rễ cây hấp thụ nước và chất dinh dưỡng là khoảng 20°C. Ở nhiệt độ đó, nước trong giá thể vẫn chứa nhiều oxy, và đó cũng chính là nhiệt độ thích hợp để kích hoạt cơ chế bơm ở rễ. Ở nhiệt độ thấp hơn, cơ chế bơm sẽ hoạt động không hiệu quả. Do đó nên xả nước ra ngoài một vài tiếng để nước trở về nhiệt độ phòng, đừng tưới nước quá lạnh vì có thể làm cây bị sốc nhiệt. Cố gắng tránh để cây nơi điều kiện khắc nghiệt như quá lạnh, nơi gió thốc mạnh hoặc quá nóng như cạnh bộ tản nhiệt, lò nướng, lò sưởi và thiết bị điện tử.

Ngoài việc giữ ấm, bổ sung độ ẩm thời điểm này cũng rất quan trọng, đặc biệt với các loài cây tới từ miền nhiệt đới ẩm. Giúp cây dưỡng ẩm bằng cách xếp nhiều cây cạnh nhau để khóa ẩm và thường xuyên phun sương nhẹ cho cây. Phun vài lần trong ngày bằng nước ở nhiệt độ phòng nếu trời quá hanh khô. Trong những ngày hè nóng ẩm, phun sương có thể gây vấn đề nấm mốc, nhưng điều đó không quá nghiêm trọng trong mùa đông vì thời tiết lạnh kiềm hãm sự sinh trưởng của hầu hết các loài sinh vật.

5. Tránh đụng chạm

Trừ những cây ra hoa, cây ăn quả, cây bụi hoặc cây rụng lá, tuyệt đối không nên cắt tỉa trong mùa đông, đặc biệt khi thời tiết rất lạnh vì độ “sát thương” rất cao và cây hồi phục rất chậm. Thay vào đó, hãy dành thời gian quan sát để phát hiện sớm các mầm bệnh như rệp, nấm mốc… để tránh bùng dịch khi thời tiết ấm hơn. Cây sẽ tự “cắt giảm” nếu nó cần bằng cách chủ động bỏ một vài lá. Ta có thể hỗ trợ chút bằng cách gỡ nhẹ lá vàng già ra khỏi cây.

Hãy đợi tới cuối đông – đầu xuân để cắt tỉa và thay chậu, khi đó cây có đủ năng lượng dự trữ giúp cho việc “chữa lành” diễn ra nhanh hơn.

6. Cuối cùng: Hãy tận hưởng!

Mùa đông có thể là khoảng thời gian yên tĩnh hơn nhiều trong cả năm làm vườn. Cây cối của bạn có thể trông không thay đổi mấy khi vào mùa đông, tuy nhiên, sự phát triển thực sự nằm ngầm ẩn dưới đất. Sau cả năm dài hoạt động, lúc này cây dồn sức phát triển bộ rễ và gói ghém tích trữ thực phẩm khắp cơ thể, giúp nó chống chọi được với việc thiếu thốn thức ăn do lượng sáng ít hơn và chuẩn bị cho một mùa xuân “bung lụa”. Đôi khi bạn sẽ thấy cây hơi ủ rũ, thân cành khẳng khiu vươn dài về phía ánh sáng hoặc bỏ một vài lá… thì đừng quá lo lắng. Cây cần điều này.

Bạn có thể để ý thấy ở bản thân mình điều tương tự. Có những lúc ta cảm thấy mình học dễ vào đầu, thích thử cái mới, tinh thần thoải mái và làm việc gì cũng dễ, nhưng cũng có những khúc quanh nơi ta buộc phải dừng lại để đối mặt với những cảm xúc khó khăn bên trong mình. Lại có lúc việc duy nhất ta có thể làm là nghỉ ngơi, là chiêm nghiệm trong im lặng. Có những giai đoạn ta hướng nội, và cũng có thời kỳ ta hướng ra ngoài, tạo nên nhiều quyết định và hành động quan trọng ở thế giới bên ngoài. Sự phát triển của chúng ta không tách rời tự nhiên mà luôn tuân theo các chu kì, chu kì nhỏ nằm trong chu kì lớn.

Thời gian khiến ta có cảm giác “nắm bắt” được quá trình, nhưng vì ý thức về thời gian mà ta hay có tâm so sánh, rằng điều này là tốt hơn điều kia. Khi được quan sát cái cây nhỏ, thu cả vòng đời của nó trong một góc bàn hoặc góc sân, ta thấy được “cây trong mùa, mùa trong cây”, mọi sự sinh trưởng – úa tàn lướt qua trước mắt ta và lặp đi lặp lại. Dưỡng cây theo “thuật dưỡng sinh”, là tạo cho mình một tâm thái ôn hòa, biết chấp nhận, coi cây là một sinh thể biến chuyển không ngừng để không hoảng quá mà cũng không mặc kệ quá mức trước những kịch bản bất ngờ của tự nhiên. “Quất roi” ở đây chính là việc ý thức được sự vật như nó vốn là và hoàn toàn tận hưởng mọi thứ.


Ý tưởng về bài viết nảy lên khi mình run rẩy tưới cây trong một sáng sớm mùa đông, áp dụng ổn khi bạn chăm cây trong mùa đông ở miền Bắc. Nếu bạn cần hiểu bản chất để áp dụng mọi nơi mọi lúc, hãy nhấn nút “⊕” ngay bên dưới để tham khảo loạt bài về cách dưỡng cây cơ bản:

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.


Quảng cáo
6 Shares
error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Share via
Copy link
Powered by Social Snap