fbpx
bệnh Hương thảo rosemary

Bệnh thường gặp ở Hương thảo (Rosemary) và thuốc giải

Những sai lầm từ cách chăm sóc của bạn gây nên bệnh tật cho Hương thảo và thuốc giải đến từ nông dân – thầy lang nhà NOTH.

Tùy theo mức độ dày dặn kinh nghiệm của bạn đối với Hương thảo mà NOTH sẽ kê đơn thuốc cho phù hợp:

  • Level 0: Bạn là một tờ giấy trắng, chưa bao giờ trồng cây hoặc chưa từng chăm cây gia vị > Hãy đọc ngay bài viết “Chăm sóc Hương thảo (Rosemary) nơi đô thị xứ nóng” để không phải lên Level trong trình độ làm chết cây.
  • Level 1: Bạn vừa mua cây hôm qua và cây đang tỏ ra yếu dần > Đọc ngay mục “Bắt bệnh kê đơn” bên dưới, sau đó quay trở lại làm Level 0.
  • Level 2: Bạn đã làm chết vài cây nhưng vẫn muốn “làm lại” > Đừng mua thêm cây vội mà hãy tìm hiểu về tính cách của Hương thảo. Quan sát, đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại rồi hẵng bắt đầu lại cuộc tình. Đặc biệt là, nếu không có chỗ để cây phù hợp như hướng dẫn thì có thể Hương thảo không phải loài cây dành cho bạn (Buồn nhưng thật nha!)
  • Level en-nờ: “Rosemary killer” – Bạn đã làm chết vô số Hương thảo và không còn nghị lực bắt đầu lại. Món bít-tết bò homemade ướp với nhánh Hương thảo còn chưa thực hiện được bữa nào nhưng bạn đã cảm nhận nỗi đau ví rất thực. Đơn thuốc của bạn là hãy phi thẳng tới NOTH, thăm thú, hoặc inbox, gửi ảnh, mô tả vấn đề mình gặp phải, hỏi thật nhiều… Việc này không giúp cây của bạn trở lại từ cõi chết nhưng bạn sẽ được tiếp xúc với kho tư liệu về hàng loạt các ca Hương thảo đã ra đi giống như của mình. Chính bạn cũng trở thành một case mới thông qua sự trao đổi để cùng tìm hướng chạy chữa. Biết đâu bạn sẽ có chút niềm tin vào tương lai?

Một vài điều NOTH muốn nhắn nhủ bạn trước:

  • Hãy kĩ tính từ khâu chọn cây. Rất nhiều cây có thể bị lây nhiễm từ khi còn ở vườn ươm. Do vậy bạn nên tìm mua cây ở những nơi uy tín, trồng bằng giá thể sạch, và tốt nhất là đã được thuần dưỡng.
  • Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những loài động vật nhỏ/nấm mốc thường đến và đi theo chu kỳ, gắn chặt với điều kiện thời tiết chứ không phải diệt một lần là xong. Thực chất thì mầm bệnh có thể tới từ mọi nơi – mọi lúc: trong đất, trong nước mưa, trong không khí, cuốn theo chiều gió… Có một vài trường hợp khi ta bỏ mặc cây thì bệnh tự dưng biến mất. Nhưng thực chất là chúng chỉ ngủ đông để đợi tới khi có điều kiện thích hợp sẽ bùng phát mạnh. Rất may là bệnh do nhóm này chỉ chiếm tới 20%, 80% còn lại hoàn toàn có thể phòng tránh nhờ cách chăm sóc hợp lý.
  • Bệnh tật không phải kẻ thù. Ngược lại, bệnh tật ở cây là một chỉ báo quan trọng để cho bạn biết một vấn đề gì đó trong cách chăm sóc cây. Thay đổi được nó, và bệnh sẽ tự hết.
  • Điều kiện thích hợp cho bệnh tật có thể là để cây nơi bí, nóng, quá khô hoặc quá ẩm ướt kéo dài. Thật ra cây cũng rất giống mình, nếu như thấy thời tiết khó chịu kéo dài thì nên ra vườn “chỏm” xem Hương thảo có đang ổn hay không. Ví dụ như vào những ngày nắng nóng gay gắt ở Hà Nội, vườn gần như đoán trước được mấy hôm tới sẽ có Nhện đỏ “ghé thăm”. Không khí khô + nhiệt độ cao là điều kiện khiến chúng phát tán nhanh nhất. Chúng mình sẽ tập trung phun sương, rửa lá để hạ nhiệt và giữ độ ẩm cho cây trong những ngày như vậy. Đối sách tốt nhất không phải trị hết – diệt sạch mà là tạo điều kiện cho cây có sức đề kháng tốt nhất với những thay đổi của môi trường sống. Đó là một ý nghĩa quan trọng của việc thuần dưỡng cây. Trong đó thay giá thể là một nền tảng tốt. Khi đó để việc xử lý/chạy chữa khi gặp thời tiết bất lợi, hoặc địch hại xâm nhập… nó sẽ dễ dàng hơn gấp nhiều lần.
  • Hãy thu thập nhiều thông tin nhất có thể. Và inbox gửi hình ảnh + mô tả cách chăm sóc của bạn cho vườn NOTH. Khi cây bị bệnh, một triệu chứng có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau, và một vấn đề có thể do nhiều điều kiện gộp lại. Nếu chỉ nhìn ảnh thì có thể sẽ phán đoán sai dẫn đến cách trị bệnh không hiệu quả.

Bắt bệnh kê đơn

Chữa bệnh phải chữa tận nguồn, nhân ở đâu thì giải ở đó. Nông dân vườn NOTH sẽ tạm chia thuốc giải Hương thảo ra làm 2 loại: Thuốc giải cho câyThuốc giải cho bạn. Chúng ta hãy đi từ BẠN trước.

1. Thuốc giải cho bạn

Thuốc này dành cho những trường hợp Hương thảo chết do cách chăm sóc chưa hợp lý, chiếm tới 80% các ca được chuyển tới NOTH.
1a. Nhóm thừa nước – thiếu sáng
1b. Nhóm thừa sáng – thiếu nước
1c. Nhóm chăm sóc quá đà
1d. Nhóm bỏ bê

1a. Nhóm thừa nước – thiếu sáng
Hương thảo úng nước
Hương thảo thối rễ kèm rủ ngọn dễ gây hiểu lầm cây đang thiếu nước. Photo: Binh Kieu

Triệu chứng

  • Cái chết lan từ ngoài vào trong, từ trẻ tới già: đầu lá chuyển màu nâu/đen, sờ vào lá thấy dai, ủng chứ không giòn kiểu cháy nắng. Vết thương lan dần từ đầu lá ra toàn bộ lá, sau đó tới các cành nhánh… dần dần gốc thân cũng bị thối ủng. Cây có thể bị rủ xuống một phần hoặc toàn bộ các nhánh trong thời gian tiếp theo.
  • Nếu kiểm tra rễ sẽ thấy các phần rễ bị ủng, nhũn, dễ bị rụng, đôi khi hơi nhớt. Màu của rễ chuyển từ vàng sáng thành nâu và đen. Nếu ngửi kĩ sẽ thấy mùi khó chịu như mùi tanh hoặc thối. Đó thường là mùi của các loại khí sinh ra do hoạt động của các sinh vật kị khí, một số mùi tiêu biểu như Ammonia (NH3 – mùi khai) và Hydrogen sulphide (H2S – mùi trứng thối).

Nguyên nhân
Do sự cộng hưởng của những nguyên nhân sau:

  • Trồng cây trong nhà hoặc nơi chỉ có ánh sáng bán phần, cây thiếu hoặc hoàn toàn không được phơi nắng trực tiếp. Không đủ sáng > Cây không dùng tới nước.
  • Chế độ tưới chưa hợp lí. Tưới máy móc theo lịch mà không có sự điều chỉnh theo điều kiện thời tiết và tình trạng của cây. Thường là tưới khi đất chưa kịp khô hoặc không đủ ánh sáng để cây sử dụng tới nước.
  • Giá thể trồng quá bí không cho phép thoát nước (ví dụ đất thịt). Chỗ để cây bí bách, chậu cây không có lỗ thoát nước hoặc thoát nước kém.

Những triệu chứng bạn thấy có ý nghĩa gì?

  • Rễ là tụi háu ăn, và không biết ăn uống điều độ cho lắm. Nếu có nước, chúng sẽ liên tục hút nước lên một cách thụ động để đẩy vào các lá. Khi khí khổng đã quá tải mà không kịp cho bay hơi hết, nước bị dồn tụ ở các đầu lá, phá hủy mô và biến đầu lá thành màu nâu/đen.
  • Khi rễ bị chết do ngạt nước, nó trở thành vết thương hở cho các loại vi khuẩn, nấm mốc kị khí tranh thủ sinh sôi. Nông dân điều tra được nấm Phytophthora, Pythium, RhizoctoniaFusarium… là những cái tên chịu trách nhiệm chính. Chúng tiêu thụ carbonhydrate (bản chất là đường) trong rễ và vô hiệu hóa khả năng hút nước của rễ. Bạn hỏi tại sao tưới nhiều ngọn vẫn ẻo thì đây là câu trả lời. Rễ bị ngập ngụa trong nước nhưng nào có hút được chút nước nào đâu.
  • Cây bị úng nước càng lâu, tụi kị khí ưa môi trường thiếu Oxygen sinh sôi càng nhiều, di chuyển theo mạch nước đi khắp nơi trong cây và tạo ra những vết nâu/đen nhầy nhụa mỗi nơi chúng dừng lại cư trú. Bạn sẽ thấy một bữa tiệc của vi sinh vật khi nhìn các giọt nâu nâu đó dưới kính hiển vi.
Hương thảo nhiễm Phytophthora
Hương thảo nhiễm Phytophthora. Photo: Melodie Putnam, 2010.
Hương thảo nhiễm Pythium
Hương thảo nhiễm Pythium. Photo: Melodie Putnam, 2010.
Hương thảo nhiễm Nấm đen Berkeleyomyces sp.
Hương thảo nhiễm Nấm đen Berkeleyomyces sp. Photo: OSU Plant Clinic Collection, 2011.
Hương thảo vị vàng lá do thiếu sáng.
Hương thảo vàng lá do thiếu sáng. Photo: Trần Thanh Ngọc

Thuốc
Đối với bệnh này thì thuốc tốt nhất là đừng để bị nhiễm. Bởi biểu hiện yếu ớt của cây có thể diễn ra một cách rất từ từ, vài ngày cho tới vài tuần cho tới khi cây khó có thể hồi phục được nữa. Không chỉ với Hương thảo, mà hầu hết các cây trồng trong nhà đều một đôi lần gặp phải tình trạng này.

Để phòng tránh thì ngoài việc chăm sóc cây theo đúng hướng dẫn của vườn NOTH, bạn cần cẩn thận hơn khi tưới cây trong những thời điểm mưa dông kéo dài, nên kiểm tra độ ẩm tận phía đáy chậu. Nếu đất đã khô hoàn toàn từ trên xuống dưới và đủ ánh sáng thì mới tưới thêm.

Như đã giải thích ở phần nguyên nhân, đây là nhóm bệnh đường hô hấp, không có cơ hội nào để cây tiếp tục phát triển nếu như rễ bị ngạt thở. Tùy mức độ bệnh mà việc cứu chữa cũng hên xui. Bạn cần cải thiện hô hấp cho cây bằng cách làm thoáng (dùng giá thể thoát nước tốt, chọc các lỗ thoáng trong đất, điều chỉnh chỗ để cây, cách tưới cây) và làm sạch (tỉa hết rễ + lá cành thối bằng dụng cụ vô trùng, làm sạch chậu và thay giá thể sạch). Càng sớm càng tốt.

1b. Nhóm thừa sáng – thiếu nước

Triệu chứng

  • Ngọn lá bị rủ, hơi quăn lại.
  • Nếu nắng to kết hợp với nhiệt độ cao có thể thiêu cháy lá, đặc biệt những phần còn non. Sờ vào phần bị cháy thấy giòn.
  • Lá bị teo nhỏ. Màu lá có thể chuyển sang xanh nhạt giống như bị bạc màu vì nắng.
  • Lá có thể chuyển sang sắc đỏ-tím nếu nhiệt độ quá cao. (Cây giải phóng sắc tố Anthocyanin để bảo vệ cây khỏi cái nắng)
  • Đối với các cây gốc già đã hóa gỗ thì xuất hiện nhiều lá vàng ở gần gốc.
Hương thảo bị cháy đầu lá
Hương thảo bị cháy đầu lá. Photo: Waleed A.AlzuhairCC BY-NC 2.0.
Hương thảo Rosemary bị rũ ngọn
Hương thảo rũ ngọn do thiếu nước. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Nguyên nhân
Các triệu chứng trên xuất hiện do thiếu nước, có thể kết hợp với việc bị thừa sáng hoặc không. Cần hiểu thừa sáng ở đây không phải một chút nắng, mà là cái nắng gay gắt buổi trưa hoặc nắng nóng kéo dài vào những đợt giữa hè, cái nắng khiến da bỏng rát. Tuy nhiên, vấn đề hầu như bắt nguồn từ nỗi sợ tưới quá nhiều (over-watering) đã gây ra nhiều cái chết nghiệt ngã cho Hương thảo (Nhóm 1a).

Câu chuyện mùa hè. Photo: Ngọc Anh Nguyen

Thật ra, over-watering nên được hiểu là đất không được làm khô đủ trước khi tưới thêm, nước bị giữ quá lâu trong đất, chứ hoàn toàn không phải là tưới quá nhiều nước cùng một lúc. Việc tưới nước chuẩn cho Hương thảo đó là: tưới đẫm nước (bão hòa nước hoàn toàn), sau đó được khô nhanh chóng, tốt nhất là nên khô trong ngày. Miễn rằng bạn tưới khi đạt đủ 3 điều kiện: đủ nắng + đất khô + đủ thoáng khí (trong đất và trong không khí) thì over-watering không phải là vấn đề.

Giá thể không phù hợp (kém thoát nước/thoát nước nhanh quá) cũng là một nguyên nhân cộng hưởng. Có một loại đất hay được nông dân miền Bắc ưa chuộng để nhân trồng Hương thảo đó là đất thịt (có thể trộn trấu hoặc không). Loại đất này ngậm nước rất rất lâu, nhưng một khi đã khô thì cứng đét, có tưới cũng không ngấm nước vào bên trong được. Đất thịt không xấu nhưng hay bị vườn NOTH bêu tên vì khi trồng đất này khiến việc tưới nước không hiệu quả.

Thuốc

  • Cấp cứu: Để cây ra chỗ mát hơn. Tiếp nước kịp thời và hào phóng. Đối với những cây đã được thay giá thể, có thể tưới ngấm cho cây từ dưới lên bằng cách ngâm chậu cây vào thau nước ngập tới 2/3 chậu và tưới từ trên xuống để nước được bão hòa hoàn toàn trong vài phút. Sau đó để cây ra chỗ thoáng cho đất khô dần.
  • Nếu tưới sau nửa ngày – 1 ngày phần ngọn không hồi thì cắt phần ngọn bị héo để giảm áp lực cho cây. Đôi khi từ phần bị cắt cây có thể đâm thêm thành 2 nhánh, nếu nó vui.
  • Trong hầu hết trường hợp Nhóm 1b có thể cứu được, tuy nhiên cần để ý xem giá thể của cây có phải loại thoát nước tốt không. Nếu tưới đẫm cứu được xong cây lại chết vì úng thì uổng lắm.
1c. Nhóm chăm sóc quá đà

Triệu chứng & nguyên nhân

  • Lá (đặc biệt phần lá già phía dưới) đột ngột chuyển màu (vàng/đỏ/nâu/đen), bị khô và có thể rụng hàng loạt. Dần dần kéo theo một phần thân và cành chuyển màu nâu/đen. Một vài ngọn có thể bị héo… triệu chứng nói chung rất đa dạng nhưng có một điểm chung là tất cả xảy ra sau khi bón phân/tưới nước chè/nước gạo… đậm đặc > Cây bị cháy phân. Vấn đề này có thể giải thích gói gọn trong câu “Ăn mặn khát nước”. Tất cả các loại phân tồn tại dưới dạng muối. Khi bón phân quá nhiều, muối tập trung trong đất sẽ hút ngược nước ra khỏi cây theo cơ chế thẩm thấu. Hương thảo cháy phân sẽ không hút được nước và cũng nhịn luôn cả hấp thụ dinh dưỡng.
  • Cây dài khẳng khiu, lá nhỏ > Cây không được phơi nắng đủ, hoặc được cưng quá nên hay bị giữ trong nhà, hoặc ỷ vào đèn LED toàn phổ để cây quang hợp… Dù gì thì Hương thảo vẫn cần nắng tự nhiên, và chúng sẽ lớn bổng khi được phơi nắng đủ ít nhất 6 tiếng/ngày.
  • Cây mất mùi thơm > Có thể do chăm bón phân quá tạo môi trường axit trong đất. Mách nhỏ bạn nhé, thật ra đất hơi vôi (hơi kiềm) chút sẽ làm cho lá nhỏ, nhưng bù lại chúng tích được nhiều tinh dầu hơn. Giống như các loại rau gia vị “ta” như Mùi ta, Hành ta… luôn thơm hơn và bé nhỏ hơn loại trồng nhà kính và vườn ươm xịn xò. Cây mất mùi thơm cũng có thể do cảm nhận chủ quan của chúng ta khi mà chăm hít hà nhiều quá làm các thụ cảm mùi trong mũi bị kích thích liên tục đến mệt lử…
Hương thảo rụng lá già
Hương thảo rụng lá già.
Photo: Reddit: SansSouci2
Hương thảo vườn dài do thiếu sáng
Hương thảo vươn dài do thiếu sáng.
Photo: Hyannis Country Garden
Hương thảo bị sốc phân
Hương thảo bị sốc, toàn bộ rễ đã hỏng do cháy phân. Photo: Boong Bynk

Thuốc
Bạn thấy đó, đôi khi ý tốt có thể trở thành thảm họa. Thuốc giải mà NOTH kê cho bạn là: chăm chút vừa thôi, thỉnh thoảng phải bỏ bê tí cho cây tự bươn chải. Trừ trường hợp cây bị cháy phân, tất cả vấn đề đều có thể cải thiện dần khi bạn cho cây làm quen dần với điều kiện mà cây ưa thích: Nhiều nắng + Nhiều nước + Thoáng khí.

Riêng đối với việc cây bị cháy phân, rất tiếc là trong hầu hết trường hợp cây sẽ ra đi. Ai nhanh tay thì có thể cắt những nhánh còn non đi nhân giống. Có trường hợp một số bạn rất “dũng cảm” rửa sạch rễ cây, ngâm kích rễ và chăm lại. Tuy nhiên vườn thấy cách này hơi liều lĩnh vì làm cây bị shock thêm một lần nữa và việc ngâm kích rễ cũng làm cây trở nên bị phụ thuộc, thiếu sức đề kháng tự thân sau này.

Ngoài ra, việc bón phân cho cây cũng nên giảm liều lượng (chỉ nên bón khoảng 1/2 liều lượng trên bao bì). Chỉ nên bón phân khi cây đang ở thời kỳ phát triển mạnh, thời tiết dễ chịu như đầu thu/đầu xuân. Thiếu sáng/thừa nắng cây đều không dùng tới dinh dưỡng nhận được. Nên tưới các loại phân dạng nước hữu cơ như phân rong/phân vi sinh để bổ sung dinh dưỡng đều đặn và ổn định, thay vì thỉnh thoảng làm shock cây đột ngột. Cách này vừa an toàn cho cây, cho môi trường, lại an toàn cho bạn nếu có muốn sử dụng cây cho mục đích nấu nướng.

1d. Nhóm bỏ bê

Triệu chứng & nguyên nhân

  • Cây ngưng phát triển hoặc giảm phát triển (lá nhỏ/lá phía dưới vàng và rụng) sau một thời gian dài chăm sóc, mặc dù đang vào mùa sinh trưởng. Cây có thể trở nên rất háo nước, dường như tưới bao nhiêu cũng không đủ > Có thể rễ đã mọc kín chậu mà không có phần đất để dự trữ nước khi cây cần. Mặt khác, khi cây trồng đất quá lâu không được thay mới, đất có thể bị xuống cấp. Những thành phần hữu cơ trong đất liên tục được phân rã thành những kết cấu nhỏ hơn, hút chặt lấy nhau, khóa chặt luôn cả phân tử nước trong đó tới mức rễ cây không bứt nước ra được. Một phần rễ không tiếp cận được với nước có thể bị chết đi.
  • Cây ra nhánh chậm, có thể bị mất mùi thơm/rụng lá > Cây không được cắt tỉa nên không ra được thêm đọt mới. Những lá non đính trên cành còn màu xanh non sẽ tích nhiều tinh dầu hơn phần lá già, do đó cây bị giảm mùi thơm.
  • Thân xuất hiện các vệt màu nâu, rám và hơi bóng (Phân biệt với việc thân hóa nâu do bị sốc nhiệt hoặc tưới quá tay) > Bạn không phải quá lo lắng vì đây là hiện tượng hóa gỗ rất bình thường ở một số cây gia vị lâu năm như Hương thảo, Xô thơm (Salvia officinalis), Sen thơm (Plectranthus tomentosa), Húng chanh (Plectranthus amboinicus)… Việc hóa gỗ sẽ giúp cây có khả năng chịu hạn và chịu đói cao hơn.
Hương thảo Rosemary kín rễ
Cây kín rễ vì được “bỏ bê”. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
Hương thảo rosemary gốc hóa gỗ
Gốc Hương thảo hóa gỗ. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Thuốc
Ngược lại với nhóm phía trên, đây là nhóm chăm sóc cây theo phương pháp “mackeno”. Sự bỏ bê này không tới mức gây nên vấn đề nghiêm trọng đe dọa tới cây nhưng buộc nó phải thay đổi (về hình dáng, tính chất) để có thể thích nghi với điều kiện sống. Ở một mặt nào đó, NOTH sẽ khuyến khích bạn đôi khi cần bỏ bê một cách có ý thức để cây có cơ hội tự lập. Thế cân bằng giữa việc chăm sóc – bỏ bê nằm ở chỗ bạn biết được lúc nào thì nên bỏ mặc và lúc nào thì nên chăm chút.

Đầu xuân và đầu thu là lúc mà vạn vật có một sự thôi thúc từ bên trong cực mạnh. Đây là thời điểm vàng để bạn làm những công việc phục vụ cho mùa sinh trưởng sắp tới như cắt tỉa, nhân giống, bón phân, sang chậu… Việc “chuyển nhà” không những dành cho cây thêm không gian để tán cây phát triển, mà còn giúp giữ thêm nước và dinh dưỡng cho cây. Dù làm gì đi chăng nữa bạn cũng sẽ thấy được thời tiết ủng hộ, cái cây thì sung sướng hợp tác… Chăm chỉ một chút lúc này sẽ không uổng phí.

Ngược lại, mùa đông và giữa hạ là những lúc cây chuyển sang chế độ sống “cầm chừng”. Việc bón phân/cắt tỉa khi nắng nóng hoặc lạnh giá quá đều làm suy yếu cây, phản tác dụng. Thay vì bỏ công chăm bón lúc này, bạn chỉ cần cung cấp điều kiện tối thiểu nhất cho cây để sinh tồn và quan sát nó thôi. Hãy chuyển sự chú ý sang việc phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh cho cây như úng nước vào mùa đông, hoặc bị côn trùng/sâu bọ đóng chiếm vào mùa hạ…

2. Thuốc giải cho cây

Đây là những trường hợp hiếm gặp hơn, phần nhiều xuất hiện trên những cây mới mua về chưa được thuần dưỡng hoặc những cây đã có sẵn “bệnh nền” do cách chăm sóc chưa hợp lý. Cũng có những trường hợp có nguồn gốc ngoại lai do lây nhiễm từ nguồn nước ngoài. Những trường hợp này sẽ cần “thuốc đặc trị”, cụ thể:
2a. Nhóm côn trùng/sâu bọ
2b. Nhóm nấm mốc

Hương thảo mắc nhiều bệnh
Hương thảo mắc nhiều bệnh thuộc nhóm côn trùng/sâu bọ và nấm mốc. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
2a. Nhóm côn trùng/sâu bọ

Nhận diện “thủ phạm”
CẢNH BÁO! NHỮNG BỨC ẢNH BÊN DƯỚI CÓ THỂ HƠI KINH DỊ VỚI MỘT SỐ NGƯỜI. KHUYẾN CÁO KHÔNG NÊN XEM KHI ĐANG ĂN.

Spittlebug
1. Bọ trớ – Spittlebug. Photo: Nature Garden SNHMCC BY 2.0.
Spittlebug
1. Bọ trớ – Spittlebug. Photo: Mike BairdCC BY 2.0.
Bọ cánh cứng - Rosemary beetle
2. Bọ cánh cứng – Rosemary beetle. Photo: Matthew KirklandCC BY-NC 2.0.
Bọ cánh cứng - Rosemary beetle
2. Bọ cánh cứng – Rosemary beetle. Photo: João CraveiroCC BY 2.0.
Hương thảo Rosemary bị sâu ăn
3.1 Vết gặm của sâu bướm. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
Vết lạ dưới lá
3.2 Vết lạ dưới lá. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
4. Nhện đỏ – Spidermites.
Photo: Trần Nhiên.
Vết lấm chấm do Nhện đỏ (Spider mites)
4. Vết lấm chấm như thế này là biểu hiện cây bị chích hút do nhóm Nhện/Rệp vừng/Bọ trĩ giai đoạn nặng.
Photo: Stack Exchange: jkd
Bọ trĩ - Thrips
5. Bọ trĩ – Thrips. Photo: Stack Exchange: bot47
Bọ trĩ - Thrips
5. Bọ trĩ – Thrips. Photo: David Cappaert, Bugwood.orgCC BY-NC 3.0 US.
Rệp vừng - Black Aphid phá hoại Hương thảo
6.1 Rệp vừng – Black Aphid phá hoại Hương thảo.
Photo: Ly Ly Nguyễn
Rệp vừng - Black Aphid phá hoại Hương thảo
6.1 Rệp vừng – Black Aphid phá hoại Hương thảo.
Photo: Ly Ly Nguyễn
Rệp vừng đen- Black Aphids
6.1 Rệp vừng đen – Black Aphids. Photo: Ryan HodnettCC BY-SA 4.0.
Rệp vừng vàng - Yellow Aphids
6. Ổ Rệp vừng vàng và hai bạn Cánh cam vui vẻ. Photo: Nature Garden SNHMCC BY 2.0.
Cận cảnh Rệp sáp - Mealy bugs
7. Cận cảnh Rệp sáp – Mealy bugs. Photo: Nature Garden SNHMCC BY 2.0.
Rệp sáp - Mealybugs
7. Rệp sáp – Mealybugs. Photo: A Boy, A Girl and a Balcony Garden
Rệp vảy - Armored Scale
8. Rệp vảy – Armored Scale. Photo: Dave’s Garden

Do tính chất đa dạng của loại bệnh và cách gọi tên ở Việt Nam, vườn để cả tên tiếng Việt lẫn tên thường gọi bằng tiếng Anh + đánh số theo ảnh để các bạn tiện tra cứu thêm.

  1. Vết mửa màu trắng, giống bọt sữa tắm > Chưa tìm thấy tên tiếng Việt nên tạm gọi là Bọ trớ (Cercopid/Spittlebug). Tụi này thì thật sự đặc sắc luôn, có tài nhảy rất cao nên khá khó bắt.
  2. Vết gặm lỗ chỗ trên lá, những chấm đen trắng ở mặt dưới lá > Các loại Sâu bướm (Caterpillar) như Sâu đo (Looper) hoặc Bọ cánh cứng (Rosemary beetle/Flea beetle). Có thể kèm theo tơ khi chúng đóng kén. Đặc điểm chung là ham ăn, ăn nhanh, có thể ngốn hết cả cái cây trong một buổi chiều.
  3. Vết gặm nhỏ xíu (3.1) Chấm nhỏ màu đen/trắng ngà ở mặt dưới lá (3.2), có thể có đám tơ > Bọ phấn (Mint moth/White fly). Chấm nhỏ là bọc trứng, vết gặm là do ấu trùng còn mẹ nó là con bướm đêm bay bay quanh vườn bạn. Thường sẽ khá khó để nhận biết tụi này so với nhóm đầu tiên vì chúng có kích cỡ nhỏ hơn nhiều.
  4. Ban đầu xuất hiện các vùng lấm chấm màu trắng/vàng nhạt ở mặt trên lá, lá có thể biến vàng. Sau đó tơ mảnh giăng khắp nơi. Nhìn siêu kỹ sẽ thấy có những chấm đỏ/vàng chỉ nhỏ bằng hạt bụi, bò siêu nhanh > Nhện đỏ/Ve nhện (Spider mite). Nhện đỏ có thể “xử đẹp” hầu hết các loại cây, đặc biệt những loại cây lá nhỏ, hoặc lá có kết cấu lồi lõm. Tụi này khá khó chịu vì khi ta phát hiện ra, có thể chúng đã kịp theo gió lan ra cả vườn rồi.
  5. Lá có những vệt loang nhỏ màu trắng hoặc bạc. Vết lấm chấm đen hoặc hơi đỏ mặt trên và dưới lá, lá có thể bị quăn lại, biến dạng. Nhìn thật kĩ có thể bắt gặp được con trưởng thành có thân dài và đuôi nhọn > Bọ trĩ (Thrip). Vết loang cũng có thể là dấu hiệu của Rầy (Leafhopper) Bọn này thích quấn lá lại để làm tổ, sinh con đẻ cái. Từ trứng nở thành con trưởng thành có khả năng sinh sản thì chỉ mất khoảng 10 ngày.
  6. Lá lốm đốm trắng vàng. Những cục đen (6.1)/vàng (6.2)/xanh lá mạ nhiều chân, nhỏ hơn hạt vừng một chút, thường bất động > Rệp vừng (Aphid)
  7. Đám bùi nhùi màu trắng bông bông dính trên các chạc nhánh, nách lá non; lâu lâu có thể làm cho lá bị vàng. Những con trưởng thành béo tốt có thể dễ dàng nhận diện. Chúng thường di chuyển chậm chạp khi bị đụng vào > Rệp sáp (Mealybugs)
  8. Đám lúc nhúc xám nâu, sần sùi trên thân/lá, nhìn thật kĩ sẽ thấy giống những con rùa tí hon; cây không phát triển > Rệp vảy (Armored scale) hoặc Rệp mềm (Soft scale). Bọn ‘Armored’ là những cái vảy đúng nghĩa: bám rất chặt, ít khi di chuyển, ỷ có khiên chắn trên lưng nên có xịt thuốc cũng không chịu đi.

Hương thảo của bạn đang phải đối mặt với điều gì?
Những loài phía trên không phải tất cả đều thuộc lớp Côn trùng (Insecta), tuy nhiên vườn gộp lại vì cách xử lý khá giống nhau. Tùy vào mức độ “biến thái” của chúng mà về bản chất, ta sẽ phải đối mặt với ít nhất 1/4 thứ trong vòng đời của chúng: trứng + ấu trùng/bọ con + kén + bọ trưởng thành (Các loài bướm thường có thêm giai đoạn kén).

  • Trứng: ít gây tổn thương cho cây, nhưng chúng nhỏ và có khả năng ngủ đông (đúng nghĩa là ngủ vùi qua cả mùa đông để chờ nở), vì thế mà rất khó nhận biết.
  • Ấu trùng/bọ con: thường phá hoại nhiều nhất bằng cách ăn lá/hút nhựa cây.
  • Kén: giai đoạn không tác động gì tới cây, nhưng khá khó diệt trừ vì kén dày bảo vệ chúng.
  • Bọ trưởng thành: liều lĩnh, ăn khỏe, có khả năng phát tán mạnh. Làm tổ gây nên những biến dạng cho thân và lá, khiến lá mất khả năng quang hợp.
Trứng Sâu bướm tím - Purple Mint Moth webbing
Trứng Sâu bướm tím – Purple Mint Moth webbing. Photo: Matt Bertone, NC State University
Sâu bướm tím đóng kén - caterpillar of Purple Mint Moth
Sâu bướm tím – caterpillar of Purple Mint Moth. Photo: Charles Olsen, USDA APHIS PPQ, Bugwood.org
Sâu bướm tím đóng kén - pupa of Purple Mint Moth
Sâu bướm tím đóng kén – pupa of Purple Mint Moth. Photo: Matt Bertone, NC State University
Bướm tím trưởng thành - Purple Mint Moth adult
Bướm tím trưởng thành – Purple Mint Moth adult. Photo: Salvador Vitanza

Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là tất cả. Đôi khi thủ phạm đầu sỏ lại gây hại không lớn bằng những kẻ cơ hội mà chúng mang tới ví dụ như Nấm đen – Sooty mold (tới cùng Rệp), Virus (tới cùng Bọ trĩ)… Nhóm này thì khó đối phó hơn nhiều. Trong nhiều trường hợp có thể bạn sẽ phải bỏ cả cây luôn.

Thuốc
Bạn hãy chuẩn bị tinh thần phải chữa cho cây trong vòng vài tuần, thậm chí cả tháng tùy thuộc vào mức độ nhiễm bệnh. Hãy thử kết hợp các phương thuốc được gợi ý dưới đây:

  • Cách ly: Khẩn cấp đưa cây ra một khu vực riêng để đảm bảo không có lây nhiễm thứ phát.
  • Giảm áp lực cho cây: Bằng cách cắt tỉa bớt những cành lá bị bệnh quá nặng. Đồng thời tạo không gian cho ánh nắng có thể phân tán đều trên cây.
  • Cấp cứu ban đầu: Bằng cách loại bỏ mầm bệnh một cách trực tiếp. Bạn có thể bắt sâu bằng tay. Có thể bọc đất của cây lại bằng nilon và dùng vòi nước áp lực mạnh để thổi bay đám kí sinh ở cả hai mặt lá. Nếu đám côn trùng/sâu bọ nhìn được bằng mắt thường thì dùng tăm bông tẩm cồn để đuổi chúng đi. Riêng Rệp vảy phải dùng tới kim khâu vì chúng bám rất chặt. Nên làm liên tục mỗi ngày cho tới khi chúng biến mất. Để cho chắc thì lặp lại mỗi tuần. Những cách này có mục đích làm giảm số lượng kí sinh hiện có và làm chậm vòng đời của chúng, nhưng không thể diệt sạch.
  • Làm kí sinh khó chịu mà bỏ đi: Bằng việc phun nước ngâm cùng các chất cay nóng (tỏi, ớt, xả…), chất bám dính (dầu ăn, xà phòng, lá dâm bụt xay…) hoặc bằng việc làm lên men những cây mà sâu bệnh/côn trùng không thèm ăn (tỏi, ớt, cỏ mần trầu, cỏ xuyến chi…) để làm Fermented tea. Cách này khiến chúng không ăn được, không bám được, gầy yếu mà chết hoặc phải bỏ đi. Cách này áp dụng sau khi đã thực hiện cấp cứu ban đầu. Hãy tận dụng những gì có sẵn trong nhà bếp.
  • Làm kí sinh nhiễm bệnh/ốm yếu: Nếu hai cách đầu không hiệu quả, bạn có thể sử dụng các loại thuốc trừ côn trùng/sâu bệnh sinh học có bán sẵn như dầu NeemVi sinh hữu ích (EM). EM – Effective Microorganism bao gồm các loại vi khuẩn và nấm có ích có thể sống cộng sinh với nhau trong cùng một môi trường. Pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. Cách này sẽ chặn đứng vòng đời, gây ra đủ thứ bệnh về thần kinh, tiêu hóa, nội tiết… tới con côn trùng/sâu bệnh, đồng thời tăng sức đề kháng tự nhiên cho Hương thảo. Tuy tác dụng không nhanh như thuốc hóa học nhưng hiệu quả về lâu dài. Chìa khóa ở đây là phải áp dụng một cách bền bỉ. NOTH thường dùng công thức đơn giản là: 2L nước + vài giọt xà phòng + vài giọt dầu neem để phun lá đuổi bọ. Khá hiệu quả.
  • Gọi thiên địch: Thử cầu cứu Ladybug. Cách này vườn NOTH chưa được thử nhưng có vẻ khá thú vị. Ladybug là kẻ thù tự nhiên của các loại Rệp, Bọ Trĩ và cả Nhện, chúng “xơi” từ trứng tới con trưởng thành. Bạn có thể tìm mua Ladybug trên các trang thương mại điện tử hoặc các group trao đổi côn trùng trên Facebook.

Lưu ý: NOTH sẽ không bàn tới các loại thuốc trừ sâu – diệt côn trùng/sâu bọ hóa học vì chúng thường tạo ra nhiều đột biến gen, hiệu ứng kháng thuốc trên kí sinh; hiệu ứng ỷ lại của cây và gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe của bạn cũng như môi trường.

Một đám Cánh cam - Ladybug
Một đám Cánh cam – Ladybug. Photo: Unknown
2b. Nhóm nấm mốc

Nhận diện “thủ phạm”

Bệnh Phấn trắng - Powdery mildew
Bệnh Phấn trắng – Powdery mildew. Photo: Bruce Watt, University of Maine, Bugwood.orgCC BY-NC 3.0 US.
Bệnh Phấn trắng - Powdery mildew
Bệnh Phấn trắng – Powdery mildew. Photo: Bruce Watt, University of Maine, Bugwood.orgCC BY-NC 3.0 US.
  1. Phấn trắng (Powdery mildew): lớp phấn/đốm phấn trắng ở cả hai mặt lá. Nếu bệnh bắt đầu từ mặt dưới lá thì sẽ rất dễ bị bỏ qua, nhiều khi dấu hiệu đầu tiên là cây bị úa vàng do mất khả năng quang hợp. Khi bệnh nặng lá có thể bị quăn, biến dạng, sau đó héo và rụng. Bệnh lan nhanh khi thời tiết ấm và độ ẩm cao vào mùa xuân hoặc đầu thu, đặc biệt là khi chỗ để cây kém thông khí hoặc cành lá mọc chi chít quá mà không được cắt tỉa. Phấn trắng gây bệnh trên Hương thảo có thể do nhiều chủng nấm tạo ra. Ví dụ như: Erysiphe, Podosphaera, Oïdium, Leveillula
  2. Các loại nấm khác: như các loại thuộc chi Verticillium Verticillium alboatrumab hoặc Verticillium dahliaeab. Biểu hiện là cây sẽ bị héo đột ngột một phần thân-nhánh (thường là những phần đã già). Lá có thể chuyển sang màu vàng hoặc nâu. Khi bổ thân ra thì không có dịch nhũn giống như cây bị thối do vi khuẩn nhưng mạch thân bị đổi màu. Đây là bệnh do Hương thảo bị lây nhiễm từ những cây nhập ngoại và tới nay chưa có thuốc đặc trị. Trường hợp này thì bạn không cần xem thuốc giải bên dưới nữa mà tốt nhất nên “hỏa táng”: Cái cây, đất trồng và cả cái chậu để chúng không có cơ hội lây lan.
Bệnh chưa rõ nguyên nhân trên Hương thảo
Bệnh chưa rõ nguyên nhân trên Hương thảo. Có thể là nhiễm nấm kết hợp sốc nhiệt. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Thuốc
Nếu bạn nghĩ hành trình chữa Hương thảo nhiễm bệnh từ sâu bọ/côn trùng là cam go, thì ở nhiều trường hợp, nấm mốc sẽ là án tử cho cây. Ở kích cỡ vi tế, ta khó có thể loại bỏ chúng. Những gì ta nhìn thấy được chỉ là phần đầu nấm sinh ra bào tử, còn phần sợi nấm đã ăn sâu trong từng thớ tế bào của Hương thảo. Khi ta phát hiện ra thì tất cả đã ngã ngũ, chỉ còn 1 bãi chiến trường. Các bước xử lý dưới đây sẽ chỉ áp dụng được khi bệnh Phấn trắng (Powdery mildew) còn ở mức độ nhẹ:

  • Cách ly cây nhiễm bệnh. Kiểm tra tất cả các cây còn lại trong bộ sưu tập của mình xem có bị nhiễm không thì cách ly nốt. Đảm bảo chỗ để cây có sự lưu thông không khí tốt, không bị dính mưa. Kiểm tra lại các điều kiện sống, cải thiện độ thông thoáng của đất và tránh tưới thừa nước. Cần ngưng bón phân ở thời điểm này.
  • Loại bỏ toàn bộ những phần nhiễm bệnh ngay lập tức, dù nặng hay nhẹ. Cắt tỉa phần còn lại của Hương thảo nếu như vẫn còn quá um tùm. Việc này giúp nắng có thể phân tán đều trên cành lá, tránh những chỗ bị tù đọng khí.
  • Sử dụng dầu Neem để phun thường xuyên theo hướng dẫn trên bao bì. Nếu thời tiết ủng hộ, không quá ẩm thì bệnh sẽ hết nhanh.
  • Nếu bệnh chưa hết có thể phun thử dung dịch Nano bạc. Bạn dùng 1 ml chế phẩm với 1 lít nước. Kết quả đạt được là nấm chuyển dần từ màu trắng sang nâu đỏ và tự phân hủy thành chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. Nên kết hợp tưới cả vào đất.
Quảng cáo

Tổng kết

Hãy nhớ rằng, bạn tạo điều kiện cho cây khỏe mạnh trở lại, thế nhưng nó có khỏe hay không còn phụ thuộc vào sự kiên trì của bạn, thời tiết và cả nghị lực của cái cây.

Sự khích lệ và tình yêu thương của bạn cũng rất có ích mặc dù đó là yếu tố không dễ nhận biết. Giống như khi bạn mới bắt đầu làm cha mẹ, đứa con phải phụ thuộc vào mình, mình phải mớm cho ăn, dạy cho nó đi, dạy nó ti tỉ kĩ năng khác trước khi nó tự đứng được trên đôi chân của mình. Càng thời gian đầu càng cần nhiều sự chú tâm chăm sóc huống chi là Hương thảo đang bị bệnh.

Hành trình “thuần dưỡng” cây cũng như hành trình “trồng người”. Rất may là cây Hương thảo không có vòng đời dài như con người, bạn chỉ cần đợi 1-2 tháng tới khi cây đã hóa gỗ và thuần khí hậu nơi bạn sống thì Hương thảo sẽ có sức đề kháng tự nhiên với bất kỳ loại bệnh nào. Có những cây Hương thảo được ghi nhận sống tới trên 30 năm vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu dừng lại.

Hương thảo cổ thụ
Hương thảo cổ thụ. Photo: Jinx McCombsCC BY-ND 2.0.

Nông dân – thầy lang nhà NOTH xin cảm ơn tất cả các Level đã bỏ thời gian đọc bài. Mục “Bắt bệnh kê đơn” sẽ liên tục được update khi có thật nhiều ‘Level en-nờ‘ inbox cho vườn. Chúc các bạn chăm cây khỏe mạnh, thảnh thơi!

Tham khảo

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/Decomposition
  2. https://plantprovider.com/why-hydroponic-roots-turn-brown-and-what-to-do/
  3. https://greenthumb-central.com/how-do-you-keep-rosemary-from-going-woody/
  4. https://www.nature-and-garden.com/gardening/red-spider-mite.html
  5. https://www.nature-and-garden.com/gardening/thrips.html
  6. https://www.nature-and-garden.com/gardening/scale-insects.html
  7. https://www.nature-and-garden.com/gardening/aphids.html
  8. https://www.nature-and-garden.com/gardening/powdery-mildew-leaf-treatment.html
  9. https://www.nature-and-garden.com/gardening/treatment-whiteflies.html
  10. https://www.nature-and-garden.com/gardening/fermented-tea.html
  11. https://www.nature-and-garden.com/gardening/ladybug-lifecycle-beneficial-garden-helper.html
  12. https://dengarden.com/gardening/Mint-Pests
  13. http://www.extento.hawaii.edu/kbase/reports/Herbs/rosemary.htm

Loạt bài trong mục “Hồ sơ cây (Plant Profile)” được xây dựng dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của vườn NOTH. Nếu bạn gặp vấn đề trong quá trình chăm sóc, đừng ngại liên hệ với chúng mình nhé. Còn nếu bạn yêu thích Hương thảo và có kiến thức muốn chia sẻ thêm, mục Đóng góp nội dung cuối bài là dành riêng cho bạn.

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung


Mọi thông tin trong bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm. Nội dung trong bài sẽ không được đảm bảo là chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhật nội dung bài viết (có thể thêm/sửa nội dung) sao cho phù hợp với người đọc nhất có thể. Vì vậy chúng mình mong muốn nhận được sự đóng góp và đánh giá lại mọi thông tin để bài viết ngày càng hoàn thiện hơn và người đọc có thể nhận được những thông tin ngày càng chất lượng hơn.



    Quảng cáo
    32 Shares
    Share via
    Copy link
    Powered by Social Snap