fbpx
Hương thảo Rosemary

Chăm sóc Hương thảo (Rosemary) nơi đô thị xứ nóng

Xứ nóng? Đô thị? Nông dân vườn NOTH thu hẹp phạm vi chăm sóc Hương thảo như vậy bởi vì Xứ nóng + Đô thị là combo khiến Hương thảo dễ chết nhất. Tại sao vậy nhỉ?

Thật ra cây cối vốn có khả năng thích nghi với nhiều hoàn cảnh. Khi thiếu nước thì nó rũ xuống để giảm bề mặt tiếp xúc với cái nắng, thấy sâu hại thì tự tiết mật ngọt/tinh dầu để thu hút thiên địch tới cứu giá, hoặc rụng bớt lá – ngủ đông để đỡ phải nuôi lắm con cháu khi điều kiện ngân khố (ánh sáng và nguồn dinh dưỡng) hạn hẹp… Hương thảo cũng có những khả năng tương tự như thế, thậm chí, đây là loài có bản năng bươn chải rất mãnh liệt khi ở ngoài tự nhiên. Ở một vài nơi, Hương thảo còn bị coi là loài “xâm lấn” do chúng phát triển quá nhanh và đe dọa tới đa dạng sinh học của các loài bản địa. Chúng trở nên “vô đối” vì không có thiên địch tự nhiên. Nhưng tại vì sao mà khi về tới nhà mình nó lại chết?

Sai lầm đầu tiên khi chúng mình mua cây hầu hết đều đến từ sự ham muốn. Ham muốn sinh ra tưởng tượng, tưởng tượng sinh ra hiểu lầm… cuối cùng dẫn tới cách đối xử không phù hợp. Sự ham muốn có thể bắt nguồn từ:

  • Nghe nói Hương thảo thơm lắm, để trong phòng ngủ cho thơm phòng > cây úng yếu dần rồi chết.
  • Được các báo tung hê rằng tụi cây gia vị là dễ sống nhất trên đời, phấn khởi mua vài cây décor phòng khách > có ngay décor phong cách cây chết khô.
  • Học theo những video ngắn trên 5-Minute Crafts, Blossom hay Tiktok… dạy về cách trồng cây gia vị trong những lọ nhựa tái chế trên cửa sổ nhà bếp > cây ra đi quá vội.
  • Được dân tình bày cách dùng phân bón thuốc kích thích tự chế nọ kia để cứu chữa cho cây Hương thảo đang ủ rũ ở nhà > cây vẫn chết.
  • Lỡ đọc phải bài viết về Hương thảo của NOTH Garden, sinh nhiều cảm tình, mua ngay cây ngoài chợ về hít hà mà chưa kịp nghiên cứu Cách chăm sóc Hương thảo > cây chết lẹ.

Hương thảo Rosemary
Một bức hình “Indoor Rosemary” tiêu biểu. Photo: Felipe NevesCC BY 2.0.

Những viễn cảnh tươi đẹp mà báo mạng hay người bán hàng vẽ ra, thường hay lờ đi những điều kiện cơ bản nhất để cây có thể sống sót. Tiếc rằng cây không thể sống dựa vào những tưởng tượng mà cần những sự hướng dẫn rõ ràng, làm sao để bạn hiểu được điều cốt lõi rằng Hương thảo – một loài cây gia vị, sẽ cần được chăm sóc như một cây gia vị. Chăm sóc Hương thảo giống với những cây nội thất trồng trong nhà mà bạn đã quen thuộc là điều không thể. Nếu yêu thích loài cây độc đáo này, hãy để nông dân vườn NOTH giúp bạn trang bị tất cả những điều kiện cần và đủ trước khi bế một em về nhà.

Điều kiện cần: Cây được thuần dưỡng

Hương thảo được bán cho bạn có thể đến từ những nơi rất khác nhau. Một đằng bạn thấy bác nông dân trồng cây vào các bầu đất thịt trộn phân trấu, sáng vác ô-doa ra tưới đẫm nước rồi bỏ mặc cả ngày dưới nắng nóng. Bác nào khá hơn thì có nhà lưới, ngăn được chuột bọ tới quậy vào đêm. Đằng khác, Hương thảo được trồng trong giá thể (thường là mùn dừa) và tất cả các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng được kiểm soát chặt chẽ trong nhà kính. Hay chí ít khí hậu các nơi đặt vườn đã phải vô cùng lí tưởng, ổn định, mát mẻ nhưng tràn trề ánh nắng như ở Đà Lạt. Điểm chung là dù đến từ đâu, cây cũng đã quen thuộc với những điều kiện này từ tấm bé. Vậy điều kiện cần đầu tiên đó là bạn phải tìm mua cây được thuần dưỡng tại địa phương, hoặc bạn phải tự học cách thuần dưỡng/nhân giống được cây để giảm thiểu những thiệt hại vì cây bị shock do chưa được tập dượt từ trước với khí hậu bản địa và phong cách chăm sóc của bạn hiện tại.

Việc thuần dưỡng có thể sẽ khá phức tạp. Mình hay gọi vui đây là công việc “Ứng phó với biến đổi khí hậu”. Bởi vì, cây đang đối diện với áp lực rất lớn, nhất là khi khí hậu ở Hà Nội quá khắc nghiệt:

“Mưa tháng 7 gãy cành Trám, nắng tháng 8 rám trái Bưởi”.

Nói riêng ở NOTH, chúng mình thuần dưỡng cây ở Hà Nội theo hình thức chăm sóc tại gia, không có nhà kính hay thiết bị phụ trợ gì kinh khủng, ban đầu phải dựa dẫm vào “ông Trời” và làm quen với việc di chuyển vị trí đặt cây liên tục để đáp ứng nhu cầu ánh sáng rất lớn của Hương thảo. Có hôm mang được cây ra phơi nắng ngày hôm trước thì liền cả tuần trời mưa dầm thối mất tới 1/3 số cây, trở tay không kịp…

Hương thảo mới về NOTH trong bầu đất thịt.
Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
Hương thảo mới về NOTH trong bầu đất thịt.
Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
Những ngày đầu thuần dưỡng Hương thảo ở NOTH. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Thế nhưng cái khó ló cái khôn. Tất cả những điều kiện bất lợi này buộc chúng mình phải xử lý sâu từ khâu giá thể. Ở Hà Nội thì dễ tiếp cận nhất là Hương thảo được trồng bằng đất thịt phù sa trộn với trấu tươi và trồng ngoài ruộng, do đó cây chịu đựng được nắng nóng cực tốt nhưng đổi lại sẽ nhanh chóng bị úng khi chuyển nhà. Đất thịt là loại đất nặng, bết chặt, do đó chúng mình phải nâng cây như nâng trứng kẻo “pựt” – cục đất rơi sẽ làm đứt toác cả mảng rễ cây. Thậm chí chúng mình còn xem ngày nào ông Trời “mát tính” và lòng người bình tĩnh thảnh thơi để thay đất cho cẩn thận. Cây không chỉ được làm quen dần với khí hậu (trục thời gian), mà còn được thay giá thể mới vườn thiết kế riêng để dễ chăm sóc (trục không gian). Loại bỏ gần như 100% khả năng cây chết vì úng. Giờ chỉ cần lo chỗ để cây thoáng đãng, hứng đủ nắng và tưới đều. Nông dân vườn NOTH cần mẫn thuần dưỡng, chăm hết phần khó để hi vọng các bạn có thể đồng hành cùng cây một hành trình dài bền vững.

Quảng cáo

Điều kiện đủ: 3 thứ nhiều: 1 nhiều sáng – 2 nhiều nước – 3 độ thoáng cao

3 điều kiện này là cái cấp thiết(*). Đảm bảo được điều kiện cần và đủ, không dám đảm bảo là sau một thời gian chăm sóc Hương thảo sẽ mơn mởn béo mập như cây sản xuất hàng loạt, nhưng tạo ra ngưỡng an toàn để cây sống khỏe. Mà khỏe là sẽ đẹp dần.

1. Nhiều sáng

Có thể bạn sẽ nghĩ: “Mình bỏ công mua cây về mà không được để trong nhà cho thơm thì còn gì là vui thú?”.

Xin hãy tự vấn lại trước hết về tư duy muốn đưa cây vào trong không gian sống. Tại sao chúng ta lại có mong muốn như vậy khi biết rằng không đủ sáng (nắng trực tiếp) thì cây gia vị sẽ khó sống? Có lẽ chúng ta nhìn thấy những video dạy trồng/nhân giống cây gia vị sao trông quá đơn giản. Hay đầy rẫy những hình ảnh Hương thảo được trồng trong nhà, trong bếp trên mạng và tưởng rằng kệ cửa sổ be bé nhà mình có thể làm nơi ở yên ấm cho cây. Nên nhớ rằng ưu tiên của những người làm ra nội dung trên các trang đó là ra được content nhanh, mạnh, mang tính giải trí cao, làm sao thắng được sự chú ý của mọi người giữa trăm nghìn cú “lướt” trên màn hình điện thoại, chứ mấy ai thực sự bắt tay vào thử nghiệm.

Hương thảo Rosemary
Ánh nắng mà Hương thảo cần phải là loại nắng vàng đập lên lá như thế này. Photo: Alice Henneman – CC BY 2.0.

Và nếu bạn để ý kĩ hơn sẽ thấy việc xây nhà bếp ở phương Đông và phương Tây khác hẳn nhau, và đó là một nguyên nhân của những sự “hiểu lầm” như vườn đã kể ra ở đầu bài. Trong khi phương Đông chúng ta tập trung vào vấn đề phong thủy, phương Tây ưu tiên xây bếp hướng đón nhiều nắng nhất để hạn chế tình trạng ẩm thấp, nấm mốc thường gặp trong nhà bếp. Trong khi phương Đông loay hoay chọn hướng xoay núm vặn bếp gas sao cho tiền tài đổ về túi gia chủ thì phương Tây lợi dụng tính chất diệt khuẩn, tẩy uế cực mạnh của ánh nắng để vệ sinh không gian một cách tự nhiên. Ta còn bắt gặp ở đâu đó những cây Hương thảo lớn tới kích thước khổng lồ khi trồng trong nhà có trần và tường ốp kính(**)… Bởi những đặc trưng riêng như vậy mà việc chăm Hương thảo trong nhà ở nhiều vùng vẫn là khả thi.

Những căn bếp tràn ngập ánh sáng là ưu tiên khi xây nhà ở phương Tây. Photo: Jeremy LevineCC BY 2.0.

Nếu nói tới đây bạn chưa tin thì cứ thử mua cây và chăm trong nhà tầm 2-3 tuần sẽ thấy ngay kết quả. Vào mùa mưa dông ở Hà Nội bạn có thể thấy kết quả sẽ tới nhanh hơn nữa. Hoặc bạn có thể làm theo hướng dẫn của vườn NOTH là ta cứ nhằm nơi nào đón nhiều nắng nhất ta để cây: sân thượng, vườn ngoài trời, thậm chí mái nhà… Đối với đa số các bạn sinh sống ở nội đô thì chí ít cũng phải đảm bảo 1 điều kiện: Nhà có ban công hướng đón nắng. Hương tho cần tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Với cường độ và thời gian chiếu sáng như thế buộc nó phải sản xuất ra thứ tinh dầu mà chúng ta đam mê. Điều này đúng với tất cả các dòng rau gia vị. Còn riêng với Hương thảo, đây là điều kiện không thể thương lượng.

2. Nhiều nước

Nếu bạn lo lắng phơi nắng nhiều như vậy thì liệu cây có bị héo khô hay không? Thì vườn xin trả lời rằng lo lắng của bạn rất có cơ sở. Tuy là một cây chịu hạn, chịu nóng rất khá; khi trồng trong chậu, thay vì có thể cắm thẳng rễ xuống mạch nước ngầm và uống no nê những cơn mưa như trong tự nhiên thì cây bắt buộc phải phụ thuộc vào chúng ta. Trng chu hoàn toàn khác vi trng h th. Chế độ tưới nhiều nước cũng vì thế mà trở nên điều kiện quan trọng thứ 2 trong việc chăm sóc Hương thảo.

Hương thảo Rosemary
Hương thảo thích được tắm mát mỗi ngày. Photo: AcompanyCC0.

Tuy nhiên, do việc chăm sóc Hương thảo ở xứ nóng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa nên cách bạn tưới cây như thế nào sẽ gắn chặt với điều kiện thời tiết. Chế độ nước nên là i nhiu nhưng có điu chnh. Hãy xem bảng sau để biết cách điều chỉnh cho phù hợp.

 Điều kiện ánh sángChế độ tưới nước
Lý tưởngNhiều ánh sáng tự nhiên, nắng trực tiếp. Ngoài trời hoặc ban công hướng đón nắng.

Kiểm tra đất bằng cách thọc 1 ngón tay trực tiếp vào đất. Tưới vừa đủ khi mặt đất khô chiều sâu khoảng 2 đốt ngón tay. Nên tưới vào buổi sáng trước 9 giờ.

Cách tưới: Rót chầm chậm nước vào quanh gốc cây cho tới khi nước bắt đầu thoát ra khỏi đáy chậu thì dừng lại. Cảm nhận nước ngấm đều vào bầu rễ của cây chứ không nên tưới bằng cách chỉ phun sương vào lá hoặc đổ nước quá nhanh khiến nước không kịp ngấm. Hãy tưới chậm mà chắc.

Thiếu sáng

Trời mưa ẩm, âm u kéo dài.

Kiểm tra đất. Tưới rất ít nếu đất hoàn toàn khô hoặc không cần tưới khi đất còn ẩm. Nếu không khí ẩm ướt quá có thể đợi nắng lên rồi hẵng tưới. Cây của bạn sẽ không chết được đâu.

Lưu ý: Tránh cho cây tắm mưa khi mưa rào. Không nên để cây ẩm ướt qua đêm. Tranh thủ phơi cây mỗi khi nắng lên.

Thừa sáng

Nắng gắt buổi trưa.

Thời điểm những ngày nắng gắt – nóng trên 40 độ giữa hè.

Tưới đẫm nước vào buổi sáng để cây dùng nước trong ngày. Nước lúc này rất quan trọng với cây. Không chỉ hỗ trợ chuyển hóa dinh dưỡng, nước sẽ được bơm qua lá thành hơi nước để làm mát cho cây.

Để ý thời tiết và tình trạng cây để cung cấp nước kịp thời. Có thể tưới 1-2 lần/ngày nếu như thấy đất khô nhanh.

Có thể tạm thời chuyển cây tới khu vực mát mẻ hơn vào thời điểm nắng quá gay gắt. Trên 40 độ thì người không chịu được huống chi là cây.

Nhìn từ một góc độ khác, có thể bạn đã nhận được rất nhiều lời khuyên rằng không nên tưới nhiều nước cho Hương thảo. Việc cây bị mang tiếng là “chỉ uống ít nước thôi” thường tới từ hiện tượng nhiều cây bị chết do úng nước. “Cây bị úng > do tưới nhiều quá” nghe chừng là một giả định hợp lí. Nó đúng nhưng chưa đủ.

Thực chất, bạn hoàn toàn có thể tưới đẫm nước cho cây khi đảm bảo các điều kiện: nhiều nắng + đất đã khô hoàn toàn + đảm bảo độ thoáng. R cây cn đưc bão hòa nưc hoàn toàn và khô ráo nhanh chóng sau đó. Nếu bạn chỉ tưới hều hều trong đợt nắng lớn, cây sẽ chết vì thiếu nước trước khi chết vì úng, đặc biệt là đối với những cây còn non (thân chưa hóa gỗ).

3. Độ thoáng cao

Bao gồm độ thoáng của không khí + độ thoáng của đất/giá thể.

3a. Độ thoáng của không khí

Độ thoáng khí sẽ phụ thuộc vào nơi để cây và chất liệu chậu cây. Bạn có thể kê chậu lên cao, để hở lỗ thoát nước ở đáy, hoặc tốt nhất bạn nên dùng loại chậu đất nung (Terracotta) để nước dư có thể thấm ra ngoài thành chậu dễ dàng. Đối với yếu tố này thì càng nhiều càng tốt, do đó vườn NOTH luôn khuyên bạn trồng Hương thảo ngoài trời.

Hương thảo Rosemary
Chậu đất nung luôn là lựa chọn số 1 đối với Hương thảo. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.
3b. Độ thoáng của đất

Có một trường hợp chống chỉ định đó là bạn sử dụng đất có quá nhiều thành phần sét (loại hạt màu cam và kết lại thành khối bết chặt). Các vườn ươm sử dụng đất thịt trộn trấu tươi ở miền Bắc thường người ta sẽ trồng thẳng cây xuống ruộng và nước thừa sau khi tưới sẽ ngấm sâu xuống ruộng nên cây không dễ bị úng. Còn khi bạn mang về nhà trồng chậu, 90% là cây ra đi nhanh chóng, 9% còn lại ốm từ từ đợi thời cơ một ngày mưa hơi nặng hạt là sẽ tạm biệt bạn, 1% cây vẫn sống dai thì bạn phải có kinh nghiệm thượng thừa + rất nhiều điều kiện may mắn trong thời điểm đó. Kể cả các bác nông dân miền Bắc mà tới mùa mưa lụt, nước ngoài ruộng không rút đi được thì cũng phải ngậm ngùi bỏ vụ. Hình bên dưới là cách mà Hương thảo được trồng trực tiếp xuống ruộng ở Thái Bình. Đây là mô hình rất hiệu quả trong giai đoạn đầu vì thúc được cây lớn nhanh và thuần khí hậu tốt. Photo: Trai Họ Nguyễn.

Đất trồng Hương thảo đòi hỏi ít nhất 4/10 phần là thành phần thoát nước (bao gồm các nguyên liệu như pumice, perlite, xỉ than, trấu hun…). Còn tỉ lệ trộn đất như thế nào thì đó là một trò chơi đánh đổi. Chẳng hạn loại “4/10” như mình nói là thoát nước chậm nhất, buộc nơi bạn để cây phải thoáng và tràn trề ánh nắng thường xuyên. Đất càng thoát nước tốt thì càng không lo cây bị úng, nhưng lại mất công tưới nhiều hơn trong đợt nắng nóng, tưới không kịp thì cây cháy khô. Đó là trường hợp của một số bạn dùng thẳng hỗn hợp đất trồng cây mọng nước như Sen đá – Xương rồng.

Nếu bạn tìm mua được Hương thảo thuần giá thể tốt sẵn thì xin chúc mừng. Còn nếu không thì nên hỏi kĩ người bán hàng về thành phần của đất, nguồn gốc của cây… và nên thay đất càng sớm càng tốt ngay sau khi rước cây về.

Rễ Hương thảo phát triển tốt trong giá thể của vườn NOTH sau 2 tuần thay đất. Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0.

Chú thích:

(*)Việc vườn chia ra ba điều kiện 1 Nhiều sáng – 2 Nhiều nước – 3 Độ thoáng cao là để bạn dễ hình dung mà thôi. Trên thực tế, ba yếu tố này tương tác qua lại lẫn nhau thành một hệ điều kiện. Trong điều kiện này đã bao hàm điều kiện khác, có cái này thì cần cái kia phụ trợ, không thật sự có thứ tự ưu tiên. Nói một cách đơn giản:

  • Nhiều nắng > Cần nhiều nước để làm mát
  • Nhiều nước > Cần thoáng để nước không bị tù đọng sau tưới gây thối rễ
  • Độ thoáng cao > Rễ cây hô hấp tốt, đất khô nhanh, làm thuận lợi và đẩy nhanh tiến trình trao đổi dinh dưỡng
  • Cây lớn nhanh > Lại cần thêm nhiều năng lượng ánh sáng-nước-không khí…

(**)Hương thảo Salvia rosmarinus thực chất có rất nhiều giống lai khác nhau nhưng chủ yếu phân ra 2 loại chính là dáng đứng và dáng rủ. Chúng có biên độ cao và rộng tán đa dạng. Ví dụ cây dáng đứng ‘Tuscan Blue’ có thể cao tới hơn 2m, trong khi ‘Collingwood Ingram’ cao tới 70cm là kịch trần, lại có dòng rủ như ‘Huntington Carpet’ chỉ cao tầm 30cm nhưng bò lan thành thảm dưới mặt đất. Những dòng mọc thấp sẽ dễ thích nghi với khí hậu nóng ẩm hơn. Tuy nhiên tới giờ thì rất khó để phân biệt chính xác các giống Hương thảo bán trên thị trường vì cách gọi tên lẫn lộn, trừ khi bạn gặp được chuyên gia lai giống. Điều này cũng khó tránh vì thường tên càng kêu thì càng dễ bán.

Hương thảo Rosemary
Hương thảo dáng đứng mà mọi người vẫn quen thuộc. Photo: Theen MoyCC BY-NC-SA 2.0/a>.
Hương thảo Rosemary
Hương thảo rủ trên tường. Photo: Phil Bendle – CC BY-NC-ND 3.0 NZ.
Hương thảo Rosemary
Hương thảo cũng có thể bò ngang trên mặt đất. Photo: cmcgoughCC BY-NC-ND 2.0.
Quảng cáo

Tổng kết

Hương thảo vốn là loài cây mọc dại dạn dày sương gió từ vùng ven biển Địa Trung Hải, theo chân những tàu buôn hàng du hành năm châu bốn bể. Mặc dù có cái tên rất thơ nhưng nó sinh ra để trở thành một chiến binh (từ La tinh ‘Rosmarinus‘ = ‘Dew from the sea’ = ‘Sương của biển’). Khi đã được rèn luyện qua giai đoạn khó khăn nhất, thậm chí chẳng chăm bón gì cây vẫn lên ngon nghẻ, thậm chí đất càng cằn (ít phân bón – nhiều thành phần kiềm trong đất) Hương thảo càng thơm. Việc bạn tỉa ngọn thường xuyên, hợp lý còn giúp cây tiết hormone để đẻ nhánh um tùm hơn.

Đừng quên là bạn sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ từ các nông dân NOTH dù có mua cây từ vườn hay không. Chúng mình đã qua rất nhiều lần làm Hương thảo chết như các bạn để có thể tự tin về việc chăm sóc Hương thảo như hiện tại. Trong khuôn khổ bài viết ngắn, mình chỉ chia sẻ những điều quan trọng nhất về Cách chăm sóc Hương thảo, những vấn đề cụ thể hơn như cách cứu cây đang ốm yếu, bón phân, cắt tỉa – thu hoạch, nhân giống… bạn có thể inbox thẳng cho vườn. Nông dân vườn cũng sẽ cố gắng tổng hợp thêm bài viết về từng chủ đề khi có thời gian.

Như mọi lần, NOTH chúc bạn chăm cây thảnh thơi, hãy tạo điều kiện cho cây tự sinh tồn, hãy học cách training những loài cây để cùng chung sống hòa hợp, đừng vì những ham muốn mà quên mất nó là một sinh vật sống, cần được bỏ công ra tìm hiểu và yêu thương.

Tham khảo

  1. https://www.sunset.com/garden/flowers-plants/right-rosemary-for-you
  2. https://www.almanac.com/plant/rosemary
  3. https://kids.kiddle.co/Rosemary

Loạt bài trong mục “Hồ sơ cây (Plant Profile)” được xây dựng dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của vườn NOTH. Nếu bạn gặp vấn đề trong quá trình chăm sóc, đừng ngại liên hệ với chúng mình nhé. Còn nếu bạn yêu thích Lưỡi hổ và có kiến thức muốn chia sẻ thêm, mục Đóng góp nội dung cuối bài là dành riêng cho bạn.

©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung


Mọi thông tin trong bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm. Nội dung trong bài sẽ không được đảm bảo là chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhật nội dung bài viết (có thể thêm/sửa nội dung) sao cho phù hợp với người đọc nhất có thể. Vì vậy chúng mình mong muốn nhận được sự đóng góp và đánh giá lại mọi thông tin để bài viết ngày càng hoàn thiện hơn và người đọc có thể nhận được những thông tin ngày càng chất lượng hơn.



Quảng cáo
161 Shares
error: Alert: Nội dung đã được bảo vệ bản quyền !!
Share via
Copy link
Powered by Social Snap